Đền Gắm - Đất Tiên

Thứ Ba, 12/03/2024 20:50
Trên đường du xuân, nếu muốn tìm tới chùa, miếu hiền hoà, thanh tịnh, yên bình, thư thái thì chuyến du khảo về vùng đồng bằng ven biển Hải Phòng là lựa chọn không tồi.

Xe sẽ đưa du khách qua những triền đê lồng lộng gió mùa xuân, thoang thoảng mùi hương cây cỏ, chạy qua cánh đồng mênh mang với màu mạ xanh mơn mởn, chạy song song con sông Văn Úc êm đềm có vài cụm lục bình hoa tím bập bềnh lướt trôi ra hướng biển. Tha hồ thả mắt nhìn ngắm dòng sông xuân thơ mộng, vùng bãi xanh tươi với đủ loại cây trái vào mùa. Vùng đầm nuôi cá, tôm, vùng đầm lấy rươi có nước sông vào phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh như gương soi, không khí trong mát, sạch sẽ như lời hát ru của mẹ. Đấy là cung đường du khách đang về với vùng đền Gắm - Đất Tiên, một huyện ngoại thành của thành phố Hải Phòng.

Đền Gắm tọa lạc tại một huyện ngoại thành của thành phố Hải Phòng.

Huyện Tiên Lãng quê tôi nhỏ thôi mà có “Ngũ linh từ” là năm ngôi đền thiêng: Đền Hà Đới với hội chợ Giải, năm họp một phiên vào ngày mùng 2 Tết, đền Bì, đền Gắm, đền Cảnh Sơn, đền Để Xuyên.

Đền Gắm nằm ngay bên hữu ngạn sông Văn Úc, con sông lớn thuộc chi lưu của hạ lưu sông Thái Bình đổ ra cửa biển, lòng sông rộng mênh mang tàu bè ngược xuôi tấp nập, xa xa cây cầu Khuể đổ bóng xuống mặt sông nối liền dải đất Tiên với An Lão, Kiến An giúp người dân giao thương thuận tiện, xuôi nữa về phía biển cầu Dương Áo đang thành hình kết nối trục đường ven biển duyên hải nối liền Hải Phòng với Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá…

Đền Gắm có từ lâu đời, được dựng lên làm nơi phụng thờ Thái Phó Ngô Lý Tín, vị quan có nhiều chiến công hiển hách thời nhà Lý (1010-1225), nổi tiếng với tấm lòng “trung quân, ái quốc”.

Theo như bia đá ở đền ghi rằng:

Ngô Lý Tín, sinh ngày 20 tháng 1 năm Bính Ngọ (1126)  trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay là tỉnh Hưng Yên. Thủa nhỏ ông nổi tiếng thông minh, hiếu học lại theo học thầy đồ giỏi có tiếng ở Hải Dương. Đến khi ông 18 tuổi thì cha mẹ qua đời, ông rời đến trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ.

Thời điểm ấy thiên tai, địch hoạ liên miên, nhân dân lầm than, bần cùng sinh đạo tặc, giặp cướp nổi lên như ong, quân thù nhòm ngó quấy phá biên thuỳ. Nhà vua phải ban chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín theo theo vua ban, dẫn người trong trang ứng chiến, lập nhiều chiến công.

Ông được phong tới chức Thượng tướng quân, thống lĩnh quân thuỷ bộ đi đánh dẹp trộm cướp. Năm 1183, ông được phong đốc tướng đánh dẹp quân Ai Lao xâm lấn biên giới. Chiến thắng vẻ vang trở về, ông được vua phong chức Thái phó, chức vụ quan trọng trong triều đình thuộc hàng tam công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo ). Thời gian Thái sư Đỗ An Di mất, ông làm phụ chính đại thần, giữ vị trí quan đầu triều, giúp vua điều hành việc nước, công lao rất lớn.

Chuyện kể rằng, trong lần về thăm quê trang Cẩm Khê xưa, quan Phụ Chính Ngô Lý Tín cùng quân sĩ, tuỳ tùng, gia nhân đi thuyền trên sông chẳng may gặp cơn dông bão lớn ập đến, thuyền đắm ông và mọi người thác đi vào ngày 9 tháng 10 âm lịch. 

Qua bao nhiêu đời, ngôi đền vẫn luôn nổi tiếng linh thiêng, luôn đáp nguyện sở cầu của người dân đến thăm viếng. Gần ngàn năm trôi đi, sau bao lần tu sửa, đền Gắm vẫn nguyên sơ mộc mạc bên dòng Văn Úc. Lối kiến trúc cổ mang nặng dấu ấn lịch sử với màu thời gian rêu phong nơi cổng đền cho đến vệt khói hương ám vào hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng.

Đền Gắm được dựng lên làm nơi phụng thờ Thái Phó Ngô Lý Tín, vị quan có nhiều chiến công hiển hách thời nhà Lý (1010-1225).

Vẫn lối kiến trúc “tiền nhất, hậu đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian tiền tế, gian hậu cung (cung cấm) với khoảng sân đền rộng rãi, xung quanh là cây cối xanh tươi. Kỹ thuật xây dựng đền vẫn đơn thuần là gỗ với mộng thắt, mộng ghép kết cấu “thuận chồng, đốc thước”, không dùng đinh sắt, cửa ra vào theo lối “cửa thùng, thung khách”, tạo cảm giác du khách đang ngược dòng lịch sử về với ngày xưa khi thăm đền.

Vãn cảnh đền, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng nhiều vật quý còn lưu giữ nơi đây như bức cuốn thư, cửa võng “lưỡng long chầu nguyệt”  trạm chổ tinh xảo, y môn chạm “lưỡng long chầu hoa cúc”.

Có lẽ ngôi đền được dựng chính trên mảnh đất địa linh, nơi quan Thái phó làm nhà, dựng trường dạy học, luyện võ; phía hậu cung cũng chính là mộ phần nơi ông yên nghỉ, nên càng thêm sự huyền bí, linh thiêng, từ xưa đã thành câu ca: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”.

Lễ hội đền Gắm được tổ chức vào ngày 18,19,20 tháng Giêng (âm lịch)

Về với đền Gắm, trải nghiệm với vùng đồng bằng ven biển nếu vào đúng lễ hội đền Gắm vào ngày 18,19,20 tháng Giêng (âm lịch), càng có nhiều thú vị với phần lễ trang nghiêm, phần hội sinh động với nhiều trò vui truyền thống như thi đấu vật…. rất thu hút du khách.

Du khách còn có thêm trải nghiệm về ẩm thực với đặc sản nơi đây như chả rươi, giò chả và nhiều món ngon đặc sắc. Có thời gian có thể xuôi xuống Vinh Quang với hệ sinh thái rừng ngập mặn hay về suối khoáng ngâm mình xuống dòng nước nóng để rửa trôi đi mọi nhọc nhằn.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác