Du lịch cộng đồng giữ chân lao động trẻ ở Phú Thọ

Thứ Năm, 17/07/2025 14:15
Phát triển du lịch cộng đồng tại các xã miền núi Phú Thọ không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mở ra cơ hội việc làm tại chỗ, giúp giữ chân lao động trẻ và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Khu du lịch cộng đồng bản Sưng, xã Cao Sơn tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ người dân tộc Dao. Ảnh: Thu Hằng

Hướng đi bền vững từ bản sắc văn hóa

Tỉnh Phú Thọ sau khi sáp nhập có không gian văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, từ kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm đến ẩm thực truyền thống phong phú. Những năm gần đây, các xã, phường miền núi đã từng bước khai thác lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với nông nghiệp và văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Tại xã Pà Cò, tỉnh Phú Thọ, cùng với một số hộ nông dân ở bản Chà Đáy, bà Sùng Y Dớ đã tổ chức kinh doanh theo mô hình du lịch Mong Space (Không gian văn hóa H’Mông) kết hợp với các hộ dân làm Homestay để phục vụ du khách đến địa phương trải nghiệm du lịch sinh thái. Từ một Mong Space ban đầu, bà đã xây thêm một số nhà, công trình để mở rộng quy mô phục vụ khách du lịch như khu phòng ngâm chân bằng lá thuốc bản địa, trải nghiệm vẽ sáp ong thổ cẩm…

“Mong Space hiện có 5 lao động thường xuyên, với mức lương cố định 3,5 triệu đồng/người cùng với các khoản thu nhập theo sản phẩm. Tất cả đều là người đang sinh sống tại bản. Ngoài các công việc hằng ngày, tôi trực tiếp hướng dẫn mọi người kỹ năng tư vấn, bán hàng và cả biểu diễn hát múa để họ tiếp tục gìn giữ được bản sắc văn hóa, phát triển du lịch địa phương” - bà Sùng Y Dớ chia sẻ.

Tạo việc làm tại chỗ, giữ chân lao động trẻ

Ở nhiều địa phương, không ít thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã rời quê đến nơi khác tìm việc, tạo ra tình trạng “ly nông ly hương”. Do đó, DLCĐ đã mở ra cơ hội mới cho nhiều người lao động, nhất là lao động trẻ.

Mô hình homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa Mường Gia Trang Heian ở phường Thống Nhất, tỉnh Phú Thọ được nhiều du khách yêu thích và lựa chọn là điểm đến mỗi tuần. Với lượng khách ổn định, homestay này đã tạo việc làm cho 9 lao động, mức lương dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng.

“Làm du lịch cộng đồng, điều quan trọng không chỉ là giữ chân du khách mà còn là giữ chân lao động địa phương. Chúng tôi ưu tiên tuyển người bản địa làm hướng dẫn viên, buồng phòng, lễ tân… Ngoài thu nhập từ lương, người lao động còn được thưởng theo KPI, được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng phục vụ. Dịp lễ, Tết đều có thưởng để động viên.

Chúng tôi mong muốn họ gắn bó với nghề, coi homestay như chính ngôi nhà thứ hai của mình” - bà Bùi Thị Hiền, chủ Homestay Gia Trang Heian - chia sẻ.

Với nhiều lao động địa phương, làm việc tại các homestay là cơ hội để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch - tiền đề quan trọng để họ có thể làm chủ một mô hình DLCĐ trong tương lai.

“Trước đây em từng nghĩ sẽ phải rời quê để đi làm xa, nhưng nhờ có homestay cộng đồng phát triển, giờ em vừa được ở gần gia đình, vừa có thu nhập ổn định. Làm việc tại đây, em học được nhiều kỹ năng mới như giao tiếp, đón khách, nấu ăn chuẩn vị truyền thống…” - bạn Nguyễn Thị Trang - nhân viên Gia Trang Heian - nói.

Theo ông Bùi Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, DLCĐ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp tại chỗ cho người dân miền núi, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là hướng đi phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm dần phụ thuộc vào nông nghiệp truyền thống.

Với tiềm năng và sự phát triển những năm gần đây, DLCĐ được kỳ vọng không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn là “chìa khóa” để khơi dậy nội lực cộng đồng, giữ chân thanh niên, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc ở Phú Thọ. Từ đó tạo nền tảng phát triển bền vững cho quê hương Đất Tổ trong tương lai.

Theo Báo Lao Động

Tin khác