|
Khách sạn là yếu tố quan trọng cho chuyến du lịch của bạn. Nhiều người sẽ lựa chọn dựa trên các tiện nghi đẳng cấp. Số khác ưa thích những nơi giá vừa túi tiền. Những du khách muốn trải nghiệm ngủ trên hai quốc gia có thể đến khách sạn Arbez ở làng La Cure. Ảnh: Twitter. |
Khách sạn này nằm trên cả Pháp và Thụy Sĩ. Đường phân cách lãnh thổ hai quốc gia chạy qua sảnh, phòng ăn, bếp, cửa hàng đồ lưu niệm và nhiều phòng khác của khách sạn. Ảnh: Frontesa Blog. |
|
Arbez được xem là nơi tuyệt vời dành cho những cặp đôi đi hưởng trăng mật. Đường biên giới chạy qua chiếc giường trong căn phòng dành riêng cho các cặp đôi mới cưới. Do đó, khi ngủ trên giường, vợ có thể ở bên Thụy Sĩ còn chồng lại nằm tại Pháp (hoặc ngược lại). Ảnh: Abrezie Franco. |
Nơi này còn có căn phòng nằm gần hết về phía Pháp, trừ phòng tắm thuộc đất Thụy Sĩ. "Bạn không cần trình hộ chiếu nếu tỉnh dậy giữa đêm để đi vệ sinh. Khách sạn này thật tuyệt vời", CN Traveller nhận xét một cách hài hước. Ảnh: Uniq Hotels. |
|
Khách sạn Arbez từng là một quán bar kết hợp cửa hàng tạp hóa. Làng Cure từng thuộc hoàn toàn về Pháp. Sau khi ranh giới được chia lại, ngôi làng nằm trên lãnh thổ cả hai quốc gia. Để thuận lợi trong việc kinh doanh rượu, thuốc lá, chocolate, doanh nhân M. Ponthus đã xây dựng quán bar và cửa hàng tạp hóa trước khi việc chia ranh giới có hiệu lực vào năm 1862. Đến năm 1921, Jules-Jean Arbeze mua lại tòa nhà từ những người thừa kế Ponthus khi họ gặp vấn đề tài chính. Ảnh: Amusing Planet. |
Du khách cũng chọn Arbez làm điểm dừng chân để đi trượt tuyết. Những nhà leo núi muốn chinh phục dãy Alps vẫn hay nghỉ ngơi ở đây. Arbez có hai nhà hàng với phong cách khác biệt để du khách lựa chọn. Nhà hàng Pháp chuyên những món thanh lịch, khá đắt đỏ. Nhà hàng Thụy Sĩ giá mềm hơn. Bạn có thể chọn ăn thử cả hai bên để có trải nghiệm thú vị. Ảnh: Mont Blanc. |
Trong Đại chiến Thế giới thứ hai, Đức Quốc xã chiếm Pháp còn Thụy Sĩ là nước trung lập. Vì thế, lính Đức chỉ có thể vào những nơi thuộc Pháp trong khách sạn Arbez, không được phép vào những khu vực thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ. Nếu lính Đức muốn trèo lên các tầng phía trên, họ phải đi cầu thang. Tuy nhiên, cầu thang thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ. Tận dụng tình hình đó, lực lượng kháng chiến Pháp đã ẩn náu và giấu những người tị nạn trong các tầng trên. Ảnh: Frontesa Blog. |