Biểu tượng phở gánh Hàng Chiếu đã mất

Thứ Hai, 22/11/2021 10:00
Gánh phở trên góc phố Hàng Chiếu giao Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành một phần ký ức của người dân thủ đô. Tuy nhiên, nó đã chính thức biến mất.

"U ơi, cho con bát sốt vang nhé".

"U ơi, con bát tái chín không hành, thêm ít quẩy".

"Còn sốt vang không u ơi?".

...

Tiếng khách gọi đồ không ngớt trong quán phở nhỏ vừa lạ mà vừa quen. Ở Hà Nội, các bạn trẻ thường có một bà u như thế. Thường thì đó là một bà bán nước vỉa hè hoặc một bà trông xe. Gọi u là tiếng thân thương, trìu mến chứ không phải ám chỉ tuổi già.

Cô Thoa với gánh phở nhỏ cũng là một "u" như thế của nhiều bạn trẻ Hà Nội. Ngày ngày, khi đồng hồ điểm khoảng 2h30, bóng dáng "u" lại xuất hiện trong niềm háo hức của hàng dài khách đã chờ từ trước để ăn bát phở đêm. "U" nhanh chóng hạ gánh phở, điều phối lại chỗ ngồi, ai tới trước ăn trước, ai tới sau có khi chờ mấy tiếng vẫn phải ôm bụng. Bát phở đêm của cô đã trở thành biểu tượng ấm áp nơi phố cổ thủ đô.

Tuy nhiên, cái biểu tượng giản dị ấy có lẽ sẽ chỉ còn trên những tấm hình cũ. "U" Thoa vẫn bán phở nhưng cái gánh hàng đêm khuya quen thuộc nay đã trở thành một hàng phở nhỏ khang trang hơn.

Mưu sinh

Đợt dịch thứ 4 có thể xem là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Việt Nam. Từ cuối tháng 4 tới nay, tình hình dịch trên cả nước vẫn rất phức tạp. Hàng quán phải đóng cửa ngót nghét cỡ 7 tháng và chỉ mới được mở lại trong thời gian gần đây.

Những hàng quán vỉa hè còn khổ hơn thế khi họ không nằm trong diện được mở lại. Điều này đồng nghĩa các chủ quán vỉa hè buộc phải thay đổi nếu không muốn chịu cảnh "tay trắng" thêm nữa.

"7 tháng qua, tôi đóng cửa ở nhà nghỉ bán, làm gì có đồng nào", cô Thoa trả lời khi đang thu dọn cửa hàng. Lúc này là khoảng 10h.

pho ganh hang chieu anh 2

Quán phở gánh hiện chuyển sang địa điểm mới. Ảnh: Anh Tú.

Cảnh tượng này thực sự là chuyện chưa từng có với những người đã gắn bó cùng hàng phở gánh nhiều năm. Trước kia, quán mở từ 2h30 và dọn hàng vào tầm 6h. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, cô Thoa đã từ bỏ vị trí buôn bán quen thuộc ở ngã tư Hàng Chiếu giao Hàng Đường.

Hiện nay, quán chuyển về địa chỉ ở Nguyễn Siêu (quận Hoàn Kiếm) cách đó cũng không xa. Diện tích quán tương đối nhỏ, bên trong chỉ kê được khoảng 6 bàn. Ngoài vỉa hè, quán cũng chỉ có thêm 1-2 bàn khác. Quy mô nhìn khá khiêm tốn so với hình ảnh hàng dài người xếp hàng chờ phở đêm ngày nào.

Thay vì mở đêm, giờ sinh hoạt của quán cũng được đẩy lên muộn hơn (từ 4h đến 10h). Nhiều người nói đùa quán phở của cô Thoa giống "rapper đi từ underground lên mainstream" vậy.

Quán phở giờ trông khang trang hơn nhưng cái "chất" đường phố, bình dị của nó có lẽ chỉ còn trong những bức ảnh cũ.

Chia sẻ với PV, chủ quán phở gánh thừa nhận mình cũng rất buồn khi phải rời bỏ vị trí bán hàng quen thuộc. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, cuộc sống của gia đình, cô đành chấp nhận từ bỏ biểu tượng xưa để dọn về quán mới.

"Tiếp tục ngồi chỗ cũ không ổn nên phải tìm địa điểm mới. Quán cũ ở đó cũng 30 năm, trở thành một phần biểu tượng của phố cổ rồi. Nhưng vì cuộc sống, mọi thứ cũng phải thay đổi thôi", cô tâm sự.

Ký ức về gánh phở xưa

Ăn phở gánh có thể xem như cái thú vui về đêm ở Hà Nội. Đặc biệt trong những đêm đông, cảm giác ngồi chờ tới lượt được bưng bát phở nóng hổi phải diễn tả bằng 2 từ "hạnh phúc". Cái ngon nhất của quán "u Thoa" là sốt vang. Miếng thịt to, thái dày nhưng lại mềm, ăn vừa miệng. Nhiều người vì mê sốt vang của "u" mà phải lục đục dậy nửa đêm để mò ra đường ăn.

Nhìn chung, việc buôn bán giống làm dâu trăm họ, khó vừa ý hết khách được. Bên cạnh những lời khen dành cho bát phở, nhiều người cũng phàn nàn về thái độ của "u Thoa". Họ bảo cô chảnh, tính khó chịu. Thêm chồng cô tính cũng khá nóng nên nhiều khách tuyên bố "cạch mặt".

Ngoài ra, việc chờ phở cũng không đơn giản. Thường thì không bao giờ bạn ra là có phở để ăn. Những người muốn ăn sớm phải chờ từ lúc gánh phở còn chưa xuất hiện (khoảng 2h). Ít thì nửa tiếng, lâu thì khoảng một tiếng sau mới được ngồi ăn do cô còn mất thời gian chuẩn bị. Chẳng vì thế, nhiều người nói đi ăn phở gánh như "đi hành" nửa đêm. Có người tới một lần và chẳng bao giờ quay lại nữa.

pho ganh hang chieu anh 3

Nồi sốt vang khiến nhiều thực khách phải lòng quán phở. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhưng cũng có những người gắn bó với gánh phở suốt nhiều năm trời. Anh Đặng Thái (sống ở phố Hàng Đào) cho biết mình đã ăn ở quán này suốt chục năm nay do gần nhà và thích cái hương vị sốt vang đặc biệt của "u Thoa".

"Tôi thích cái cảm giác ngồi vỉa hè, xì xụp bát phở nóng hổi. Cái thú vị của phở gánh tôi nghĩ là cảm giác, hương vị chắc cũng một phần thôi. Giờ ở Hà Nội, biết kiếm được đâu cái không gian đầy hoài niệm như thế. Mấy ngày trước, tôi nghe tin phở gánh đổi địa chỉ mà tự thấy lòng cũng buồn buồn.

Bát phở hôm nay tôi ăn thấy lạ lắm. Hương vị vẫn vậy nhưng cái cảm giác nó cứ hụt hẫng. Thật lạ khi nghĩ có ngày 7h thức dậy vẫn có bát phở của u để ăn. Nó vừa thoải mái nhưng cũng vừa bứt rứt sao, khó diễn tả", anh Thái tâm sự.

30 năm là khoảng thời gian cô Thoa mang gánh phở trên vai. Thường nhiều người bán vỉa hè thích có cơ ngơi khang trang, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, cô Thoa lại không nghĩ thế. Góc phố nhỏ Hàng Chiếu giao Hàng Đường đã theo cô quá lâu để rồi khi chia tay cũng chẳng nỡ. Quán mới sạch sẽ, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu nhưng cô tâm sự mình vẫn chỉ thích chỗ cũ.

pho ganh hang chieu anh 4

Biểu tượng phở gánh không còn nhưng cái chất vẫn luôn ở đó. Ảnh: Anh Tú.

Chủ quán chia sẻ: "Việc đổi quán cũng là bất đắc dĩ vì dịch. Tôi vẫn thích ngồi vỉa hè hơn. Lượng khách nhìn chung vẫn ổn định vì mình cũng có nhiều khách quen. Một số chưa biết thì dần dần cũng sẽ quen lại thôi. Với tôi, biểu tượng phở gánh không còn nhưng cái chất sẽ vẫn ở đấy.

Tâm huyết với nghề nấu phở của tôi bao lâu vẫn vậy. Nồi nước dùng vẫn được làm như thế. Cái hương vị sẽ không bao giờ mất đi đâu".

Trong tương lai, khi cuộc sống ổn định trở lại, cô Thoa có thể trở về với cuộc sống xưa. Tuy nhiên, hiện tại, chủ quán phở gánh chưa nghĩ nhiều như thế. Cô muốn nhanh chóng ổn định công việc kinh doanh tại địa điểm mới. Cuộc sống thay đổi và nhiều người phải chấp nhận có những biểu tượng cũng sẽ đổi thay.

Theo Zing

Tin khác