Hà Tiên tăng sức hút cùng du lịch văn hóa lễ hội

Thứ Hai, 05/02/2024 07:00
Sở hữu những tiềm năng du lịch vượt trội, thành phố Hà Tiên không chỉ vang danh “đẹp như xứ thơ” trong thi ca mà có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước, xứng tầm với vị thế trong tầm nhìn quy hoạch của tỉnh Kiên Giang.

Rủ nhau về Hà Tiên đi hội

Hội tụ sự độc đáo và đa dạng các lễ hội diễn ra quanh năm, vì vậy Hà Tiên luôn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi tìm về. Mỗi lễ hội đều có nét đẹp riêng và chứa đựng các giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc Việt như lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên, lễ giỗ Đức Khai Trấn Mạc Cửu, lễ giỗ bà Mạc Mi Cô, lễ hội Đôl-ta hay lễ hội Ok Om Bok…

Vào những ngày đầu năm mới, Hà Tiên rực rỡ sắc Xuân cũng là lúc khai mạc lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Tao đàn Chiêu Anh Các được ra đời từ cách đây 287 năm (1736 – 2023) do Mạc Thiên Tích, vị Tổng trấn Hà Tiên lúc bấy giờ sáng lập. Tao đàn Chiêu Anh Các là nơi khai mở những áng văn chương lừng danh, làm cho Hà Tiên được xem như là một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam. Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng giêng tại TP. Hà Tiên (Kiên Giang) gắn với ngày thơ Việt Nam, Tết Nguyên tiêu. Năm 2023, địa phương ước đón khoảng 50.000 lượt khách về tham dự, vui chơi và du Xuân trong dịp lễ hội này.

Lễ hội kỷ niện 287 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023) thu hút khoảng 50.000 lượt khách tham quan

TP Hà Tiên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú như: triển lãm ảnh, trưng bày hiện vật Hà Tiên xưa và nay; đường sách và phố ông đồ… cùng các hoạt động đường phố như nhảy hiện đại, acoustic, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; hát múa truyền thống của đồng bào Khmer; diễu hành xe hoa. Và đặc biệt không thể thiếu là Hội hoa đăng, điểm nhấn chính tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Hà Tiên.

Một lễ hội khác vốn đã rất nổi tiếng là lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên nhằm ghi tạc công ơn của các vị tiền nhân. Đình thần Thành Hoàng thờ 3 vị công thần đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên, đó là: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh. Vì tấm lòng tận trung với nước, xây dựng và chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, sau khi ba ông mất được phong làm Phúc Thần và hằng năm vào ba ngày 15, 16, 17 tháng 2 âm lịch Hà Tiên tổ chức lễ Kỳ Yên với nhiều họat động văn hóa rất bài bản.

Trong các lễ hội ở Hà Tiên, lễ giỗ Đức Khai Trấn Mạc Cửu là một trong những nét văn hóa truyền thống nổi tiếng nhất ở địa phương. Lễ hội tưởng nhớ công lao to lớn của vị tổng binh Mạc Cửu - người đã có công khai phá nên mảnh đất Hà Tiên có tuổi đời hơn 300 năm. Các phần lễ và phần hội được tổ chức từ ngày 25 - 27/5 âm lịch tại đền thờ họ Mạc và tượng đài Mạc Cửu. Người dân và du khách sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động hấp dẫn, điển hình là các trò chơi dân gian như: bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, đấu cờ tướng, đẩy gậy, kéo co…. cùng nhiều tiết mục văn nghệ tạo nên một không khí sôi động, tươi vui.

Lễ giỗ lần thứ 288 Đức Khai trấn Mạc Cửu (1735 - 2023) đậm nét Văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến ngày 27 - 29/9 âm lịch, du khách tụ hội tham gia Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của bà Mạc Mi Cô. Mạc Mi Cô là con gái Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích, tình tình hiền hòa, rất hiếu thảo lại hay làm việc thiện nhưng số bạc mệnh. Khi qua đời, bà được người dân thành kính thờ phụng đến tận bây giờ. Lễ giỗ Bà mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần, hướng vào tâm thiện của nhiều người dân Hà Tiên.

Hà Tiên là vùng đất đa sắc tộc, có sự hiện diện của đồng bào Khmer. Họ định kỳ tổ chức những lễ hội lớn như lễ hội Đôl-ta (ngày 29/8 đến 01/9 âm lịch) cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành hay lễ hội Ok Om Bok (ngày mùng 15 tháng 10 âm lịch) để tỏ lòng biết ơn đối với “Mặt trăng”, vị thần thiên nhiên bảo vệ mùa màng và sự no ấm. Trong các lễ hội đó có màn biểu diễn nghệ thuật múa dân gian Lâm Thôn, Dù Kê, nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây cho đến ẩm thực, làng nghề truyền thống... Tất cả đều có những nét độc đáo riêng, là tiềm năng có thể khai thác, phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Dấu ấn du lịch độc đáo

Cùng với các di sản văn hóa khác, lễ hội văn hóa truyền thống được TP Hà Tiên nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung xem là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Bởi vì lễ hội truyền thống được coi như là mạch nguồn kết nối quá khứ với hiện tại.

Đến với lễ hội, du khách được tắm mình trong bầu không khí cộng đồng, vui tươi thắm tình dân tộc. Ngoài phần Lễ trang nghiêm, gợi nhớ về phong tục của cha ông, truyền tải ý nghĩa sâu sắc thì phần Hội với các hoạt động vui chơi giải trí như các trò chơi dân gian, hội thi làng nghề… đậm chất khác biệt của vùng miền. Chính những điều mới lạ ấy lại cực kỳ phù hợp với xu hướng du lịch luôn tìm kiếm những điều hấp dẫn, thú vị.

Biển Mũi Nai - thiên đường du lịch tuyệt đẹp ở Hà Tiên

Hà Tiên đã có chủ trương tổ chức chuyên nghiệp và gắn kết với các sự kiện, lễ hội truyền thống trên địa bàn nhằm tăng cường quảng bá du lịch, tạo dấu ấn thu hút du khách. Trong những năm qua, công tác quản lý và hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực góp phần xây dựng môi trường văn hóa truyền thống lành mạnh. Hướng tới mùa lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, các cấp ban ngành tại Hà Tiên phối hợp với doanh nghiệp du lịch sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của du khách. Việc phát huy việc khai thác giá trị lễ hội truyền thống để kích cầu du lịch, hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương góp phần làm bức tranh du lịch từng vùng miền thêm phong phú hấp dẫn.

Tú Sương

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau