48 giờ sống chậm ở "vùng đất bất tử" Shangri La

Thứ Năm, 27/07/2023 18:49
Ngày đặt chân tới Shangri La (Trung Quốc), tôi vẫn chưa tin rằng mình đã chạm tới cửa ngõ Tây Tạng, để dành trọn 48 tiếng quý báu khám phá những kiến trúc đặc sắc...

Với nhiều người, đi du lịch xa là đi những nơi đắt đỏ như Âu, như Mỹ. Còn với tôi, nơi xa là phải vượt qua những chặng di chuyển dài, vượt qua thách thức về độ cao, địa hình, khác biệt hoàn toàn về văn hóa. Và tôi đã đến Shangri La - nơi vốn là tên vùng đất biệt lập với thế giới bên ngoài, với tu viện Lạt-ma giáo nằm cuối dãy núi Côn Lôn trong cuốn tiểu thuyết Lost Horizon - Đường chân trời đã mất của nhà văn người Anh James Hilton.

Dựa trên những miêu tả gần như trùng khớp ấy, huyện Zhongdian (Trung Điện) nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, Trung Quốc đã đổi đặt tên thành Shangri La từ năm 2001. Ở độ cao khoảng 3.300 mét trên mực nước biển, nơi đây được coi là "cửa ngõ vào Tây Tạng", điểm dừng chân phổ biến cho những người muốn khám phá vùng cao nguyên huyền bí.

Shangri La chào đón tôi bằng một trời không khí trong lành và thoáng đãng. Quá sức kỳ diệu với một người sức khỏe trung bình như tôi, khi tôi không hề gặp trở ngại nào về tình trạng sốc độ cao hay thiếu oxy.

Dạo chơi ở “vùng đất bất tử” Shangri La.
Kiến trúc độc đáo ở “vùng đất bất tử” Shangri La.

Phố cổ Dukezong

Để trải nghiệm hết văn hóa độc đáo của người dân tộc Tạng, tôi chọn phòng nghỉ homestay có kiến trúc đặc trưng tường đất bao quanh khu nhà hình chữ U với khoảng sân rộng phía trước. Các phòng nghỉ được xây thành 2 tầng, khung vách đều hoàn toàn bằng gỗ.

Phòng tôi nằm ở trên tầng hai, đi lên cần bước trên cây cầu thang gỗ phát ra tiếng hơi cọt kẹt nằm ở góc sân. Nội thất trong phòng đơn giản nhưng phải nói là tinh tế trong từng chi tiết, nào là gương, thau chậu, hệ thống bình nóng lạnh giả đồng, thảm trải sàn, trải giường, decor trên tường mang hoa văn thổ cẩm. Buổi sáng cầm cốc trà ngồi bên khung cửa sổ là nhìn thấy ngay chùa Đại Phật Tự, vang vọng tiếng chuông chùa.

Một góc quảng trường là bảo tàng quân giải phóng Trung Quốc
Một góc quảng trường tại Shangri La.

Homestay tôi đặt ở nằm ngay trong khu phố cổ Dukezong có tuổi đời 1.300 năm. Cái tên Dukezong dịch nghĩa theo tiếng Tạng mang một ý nghĩa hết sức lãng mạn là “thành cổ ánh trăng”. Năm 2014, một trận hỏa hoạn lớn từng xảy ra ở khu phố cổ này, thiêu rụi những căn nhà gỗ. Nhiều gian nhà ở đây là được phục dựng lại sau đó. 

Từ homestay, tôi đi vài bước chân là ra tới quảng trường trung tâm. Một góc quảng trường là bảo tàng quân giải phóng Trung Quốc, tái hiện lại hình ảnh người lính sống hòa nhịp cùng người dân địa phương gùi nước, giặt đồ… Góc khác là dãy các thể loại hàng quán từ nhà hàng, quán trà truyền thống, nơi du khách có thể thưởng thức ẩm thực và thức uống đặc trưng của vùng Tây Tạng cho đến cửa hàng bán đồ thủ công, thạch cao, gốm sứ, tranh thêu, đồ trang sức…

Trái với thói quen dậy sớm của người Việt Nam, phố cổ ở đây thường tầm 9 - 10h mới bắt đầu có người lục đục mở cửa hàng, người đi lại cũng thưa thớt, tĩnh lặng. Dường như ban ngày hầu hết du khách đi tham quan các điểm khác, chiều tối mới tụ tập về đông đúc nhộn nhịp ở quảng trường. Nhưng cũng nhờ thế mà du khách Việt như tôi chẳng cần canh giờ dậy sớm vẫn dễ dàng có nhiều khung hình chụp ảnh không phải bon chen.

Đại Phật tự

Chùa Đại Phật tự nằm trên một ngọn đồi cao, đẹp và lung linh.
Chùa Đại Phật tự nằm trên một ngọn đồi cao, đẹp và lung linh.

Nổi bật giữa trung tâm quảng trường là chùa Đại Phật tự nằm trên một ngọn đồi cao, đẹp và lung linh hơn khi ghé thăm từ buổi chiều tối khi cả ngôi chùa được thắp sáng bằng hàng trăm ngọn đèn đổi màu rực rỡ. Vào đây, khách tham quan chủ yếu thăm thú những kiến trúc và cách bày trí của Phật giáo Tây Tạng.

Tôi khá tò mò, ấn tượng nhất có lẽ là Đại Kinh Luân trong Đại Phật tự. Thú vị là cần tối thiểu 6 - 8 người quay cùng lúc theo chiều kim đồng hồ nhưng sáng hay tối, tôi ghé đây đều không lúc nào thấy vắng bóng người. Họ vừa nhẹ nhàng đi quanh vừa thầm thì cầu nguyện may mắn, bình an. Tương truyền, bên trong Đại Kinh Luân có vô số mật chú và văn tự bí ẩn. Bên dưới là hàng cây hoa đào, du khách ghé nơi này vào mùa xuân hẳn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên đẹp.

Đại Kinh Luân pháp bảo không thể thiếu trong đời sống tâm linh Phật giáo Mật tông.
Đại Kinh Luân là một pháp bảo không thể thiếu trong đời sống tâm linh Phật giáo Mật tông.

Tu viện Songzanlin

Đại Phật tự chỉ là một góc nhỏ so của tu viện Songzanlin, hay còn gọi là Tùng Tán Lâm Tự. Có thể nói đây là điểm tham quan nhất định phải đến khi tới Shangri La và cũng là điểm khiến tôi háo hức khám phá nhất trước khi đặt chân tới đây.

Thành cổ Dukezong có điểm thú vị là không hề đánh số nhà, kể cả các homestay, khách sạn lớn. Do đó muốn bắt taxi đi đến tu viện Songzanlin, tôi phải đi bộ một quãng ra tới đường chính mới gọi được xe, chi phí 20 tệ cho chặng đường đi từ thành cổ.

Xe taxi thả tôi tại một cửa trạm, tương tự như trạm chờ xe buýt ở Việt Nam. Từ đây, tôi mua vé bus đi tiếp tầm 10 phút qua những quãng đường quanh co thì vào tới làng Songzanlin. Ai thư thả thì có thể đi bộ, phải mất hơn 40 phút mới đến nơi, tùy theo sức khỏe.

Làng Songzanlin.
Toàn cảnh tu viện Songzanlin.

Tu viện Songzanlin được xây dựng từ năm 1679 theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng. Songzanlin là một trong những tu viện lớn nhất, quan trọng nhất của người Tạng ở Trung Quốc

Từ điểm đỗ dừng bus, trèo lên một ngọn đồi nhỏ phía đối diện là góc chụp “kinh điển” toàn cảnh tu viện với 3 gam màu nổi bật trắng, đỏ, vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Nếu đi vào mùa mưa, du khách có thể vòng ngược lại xa hơn một chút để lấy góc chụp từ hồ nước hắt lại, bóng tu viện sừng sững ngự trên ngọn đồi cao với mặt hồ, thảm cỏ rộng mênh mông càng khiến nó trở nên hùng vĩ hơn rất nhiều.

Tu viện Songzanlin bao gồm rất nhiều gian và sảnh đường.
Tu viện Songzanlin bao gồm rất nhiều gian và sảnh đường.

Du khách được tự do ra vào tham quan những sảnh đường trong tu viện, nhưng đa phần đều có biển cấm chụp hình bên trong. Khi bước vào trong tu viện Songzanlin, sẽ cảm nhận được không khí thiêng liêng bởi mái trần cao rộng với nhiều tượng Phật, vật phẩm tôn giáo cùng một chút u tịch do hơi thiếu nguồn ánh sáng tự nhiên.

Tuy nhiên, tôi lại thích Phật giáo Tây Tạng ở chỗ cảm giác rất gần gũi, rất chân thực đời thường. Gần như chỉ có tại làng Tạng mới bắt gặp được hình ảnh các sư tăng trẻ vừa chạy vừa thoải mái cười đùa rạng rỡ trong nắng.

Tôi thấy đa phần du khách chỉ tham quan ở tầng trệt, nên đến lúc leo lên các tầng lầu của tu viện chỉ còn 2 vợ chồng khách Tây lên cùng tôi. Chúng tôi mải mê ngắm nghía các họa tiết chạm khắc, trang trí trong các gian phòng. Thỉnh thoảng lại bắt gặp vài căn phòng khép cửa, có mấy sư tăng ở trong nhìn lại chúng tôi qua cửa sổ bằng ánh mắt bình thản, như thể họ đã quá quen với những khách du lịch tò mò này.

Bước tới một căn trên tầng ba, bất chợt xuất hiện ba sư tăng cầm ba chiếc tù và cao gần ngang người và một lão tăng có vẻ là người đứng đầu. Chờ khi lão tăng có hiệu lệnh, ba sư tăng đồng loạt thổi tiếng tù và vang rền báo hiệu 12 giờ trưa. Có lẽ đó cũng là thời điểm quy định nào đó của họ mà tôi không biết. Đôi khách Tây đi cùng nhanh nhẹn chụp tách một cái, tôi thấy có biển không chụp hình bên trong nên chỉ dám đứng im. Cuối cùng cũng không ai bị nói hay nhắc nhở gì.

Ngắm cảnh vật, phong cảnh xa, thật xa trước mặt từ tầng cao nhất.
Tầng cao nhất của tu viện.

Lên trên tầng cao nhất, du khách có thể hướng mắt ra ngắm cảnh vật, phong cảnh xa, thật xa trước mặt. Một nhóm sư tăng trong trang phục áo đỏ cũng đứng ở đây thì thầm trò chuyện, ngắm cảnh, thỉnh thoảng có liếc sang chúng tôi một chút rồi lại coi như không.

Tôi thuộc dạng thích đi du lịch chậm, từ từ khám phá kĩ từng nơi nên lúc quay trở lại sân chính là gần một giờ. Ấy vậy mà lại thành "hên" vì lúc này du khách vãn hết, tha hồ chụp hình check in chẳng vướng ai.

Địa điểm check-in thoáng đãng.
Sân của tu viện thoáng đãng.

Bao quanh tu viện Songzanlin là nhà riêng của cư dân đều theo tín ngưỡng Mật tông Tây Tạng tạo nên một ngôi làng Phật giáo độc đáo. Họ sống một cuộc sống đơn giản, theo các truyền thống văn hóa và tôn giáo của người Tạng. Du khách có thể tương tác và hòa vào cuộc sống hàng ngày, khám phá văn hóa độc đáo và truyền thống tâm linh của họ.

Những ngôi nhà truyền thống của làng được xây dựng bằng gỗ và đá, mang đậm nét kiến trúc Tây Tạng. Những con đường nhỏ mòn xuyên qua làng, tạo ra một không gian đẹp mắt và lãng mạn. Trong làng Songzanlin cũng có các cửa hàng và chợ truyền thống, nơi du khách có thể mua các sản phẩm thủ công độc đáo của người Tây Tạng như áo khoác, khăn quàng cổ, trang sức và đồ thủ công từ gỗ, đá và kim loại.

Bao quanh tu viện Songzanlin là nhà riêng của cư dân.
Bao quanh tu viện Songzanlin là nhà riêng của cư dân.

Lưu ý nhỏ khi du lịch Shangri La:

Nếu đi liên tuyến Lệ Giang - Shangri La, nên đi Lệ Giang trước rồi tới Shangri La để thích nghi dần với độ cao và không khí loãng. Du khách có thể uống thêm viên tuần hoàn não giúp lưu thông khí huyết.

Nên mang theo trà nóng, trà gừng uống làm ấm người; kem dưỡng da vì khí hậu tại đây rất khô.

Ưu tiên mặc trang phục trắng, vàng, đỏ chụp lên hình sẽ nổi bật hơn. Máy ảnh nên dùng ống góc rộng để chụp phong cảnh, kiến trúc.

PV

Tin khác