Đặc sắc Lễ hội cốm mới, huyền bí nghi thức rước 'hồn lúa'

Thứ Hai, 16/10/2023 14:47
Hằng năm, lúc trời vào cuối Thu và đầu mùa Đông, đồng bào dân tộc Thái trắng ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, còn gọi là Lễ hội cốm mới.

Dân tộc Thái là một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở Tây Bắc nói chung và huyện Phong Thổ nói riêng. Trong quá trình phát triển, đồng bào Thái không ngừng tạo ra các giá trị văn hoá truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu là một trong những lễ thức mang tính truyền thống của cộng đồng người Thái.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, còn gọi Lễ hội cốm mới là một nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đã lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ thực hiện 4 nghi thức gồm rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Ở phần hội, đồng bào Thái và du khách cùng tham gia các trò chơi truyền thống.

Nghi thức rước hồn lúa là nghi lễ linh thiêng thể hiện sự trân quý hồn lúa, tôn vinh Thần Nông.

Khi hái lúa dùng cho nghi lễ phải hái cả bông lúa và lá lúa. Có như vậy hồn lúa mới hài lòng và thể hiện sự biết ơn Thần Nông đã bảo vệ cây lúa trổ bông tươi tốt.

 

Mỗi khi tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu đều phải đi rước “hồn lúa” từ cánh đồng, nương rẫy về để thờ cúng. Khi đi rước hồn lúa về làm lễ cần chọn ngày tốt.

Nghi thức thứ hai là nghi thức cúng hồn lúa. Xuất phát từ ý niệm “vạn vật hữu linh” nên đồng bào Thái quan niệm mọi vật thể tồn tại, phát triển được nhờ có linh hồn, số phận con người phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên, thế giới siêu linh. Những yếu tố vô hình thiêng liêng này quyết định cuộc sống trên trái đất, được người Thái gọi là Chảu (Chủ). Thiên nhiên quanh họ như trời, đất, núi, sông, cây cối... đều có các Chảu ngự trị, nên được họ sùng bái, cúng tế để làm chỗ dựa tinh thần.

Sau nghi thức cúng hồn lúa, đến nghi thức giã cốm, cầu bình an. Thóc được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều; lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo.

Thóc sau khi nước xong được cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá.

Cốm giã xong được đồng bào sàng, lọc nốt phần thóc còn lại bám trên hạt cốm. Cốm là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân, là món quà của lúa non được kết tinh hương vị đất trời và sương sớm.

Kết thúc phần lễ là nghi thức cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn.

Sau khi thực hành xong nghi thức tại điểm thờ cúng, đồng bào Thái trong bản, trong mường và du khách ăn cốm mới với mong muốn luôn khoẻ mạnh, no ấm.

Kết thúc phần lễ, đồng bào Thái và du khách cùng tham gia các trò chơi truyền thống.

Kết thúc phần lễ, đồng bào Thái và du khách cùng tham gia các trò chơi truyền thống.

Theo Tiền Phong

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau