Món ngon ngày Tết

Thứ Tư, 22/01/2020 21:08
Ngày Tết, dù ở vùng miền nào, dù nghèo khó hay khá giả, các gia đình cũng cố gắng sắm sửa mâm cỗ Tết thịnh soạn với những món ngon nhất, trước là dành để thành kính hướng về Tổ tiên, tưởng nhớ ông bà đã khuất, cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đình, sau là dịp để mọi người đoàn tụ thưởng thức. Ngày nay, sự giao thoa văn hóa đã khiến mâm cơm ngày Tết không chỉ có những món cổ truyền mà thêm vào đó là những món mang phong cách hiện đại!

Bánh chưng

Bánh chưng là món đã có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Do đó trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc sẽ không thể thiếu món ăn này. Bánh tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16 và đất trời.

Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu được, một thứ bánh ngon tròn vị. Cái khung cảnh ngồi đợi nồi bánh chưng chín đã đi vào tiềm thức của người dân miền Bắc mỗi khi Tết đến. Không chỉ được bày trong các mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc mà món ăn này còn được dùng để làm quà tặng cho người tân hay bạn bè đều được.

Bánh tét

Cũng như người miền Bắc có bánh chưng thì với đồng bào miền Nam không thể thiếu bánh tét trong ngày Tết. Nó không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với 5 màu sắc: Màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhân bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhân bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhân đậu xanh hoặc ướp thịt nhân bánh. Đó là 5 màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).

Chè kho

Chẳng hiểu tự bao giờ, chè kho đã trở thành món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… Nguyên liệu chính đến làm món chè kho là đậu xanh. Sau khi xay vỡ, phải ngâm, đãi sạch vỏ, rồi rang trước khi xay thành bột. Có bột rồi mới ngào với nước đường trắng, thêm nước sau đó mới bắt tay vào nấu. Đến khi sền sệt, nặng tay rồi múc ra cho vào khuôn sẽ được thành phẩm là một đĩa chè kho thơm ngon.

Giò

Giò là món ăn truyền thống của người Việt Nam đặc biệt vào những ngày lễ Tết. Nguyên liệu chính của giò là thịt giã nhuyễn, phối trộn với một số nguyên liệu khác, được gói chặt và thường được làm chín bằng cách luộc hay hấp (giò lụa); hay giò thủ, còn được biết đến với tên gọi khá phổ biến khác là giò xào là một trong những món giò truyền thống của người Việt với thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt.

Món giò ngày Tết còn có ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”. Giò không chỉ là món ăn ngon mà có thể dành tặng cho những thành viên trong gia đình mình.

Nem rán

Bên ngoài màu vàng óng, bên trong thì chứa đầy thịt, mộc nhĩ và giá, nem rán là món ăn độc đáo và hấp dẫn không thể thiếu được trong những ngày Tết của người miền Bắc. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích còn được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt.

Ở miền Bắc người dân đón xuân bằng cành hoa đào, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành. Còn ở miền Trung cũng náo nức đón xuân với cành mai vàng, bánh tét, thịt giấm, nem chua,…

Thịt kho nước dừa

Trong vô số các món ăn ngon tại Sài Gòn thì món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất đối với người dân miền Nam có lẽ chính là thịt kho nước dừa. Hay còn gọi với cái tên khác là thịt kho riệu, thịt kho hột vịt. Những ngày giáp Tết, bên cạnh công việc nấu bánh tét thì các hộ gia đình Nam bộ còn hay chuẩn bị một nồi thị kho nước dừa to để ăn vào những ngày này. Thịt kho hột vịt trông rất hấp dẫn, dễ ăn và rất ngon miệng. Nếu muốn thưởng thức món này mà không cảm thấy ngấy thì bạn có thể ăn món này kèm với dưa giá.

Canh khổ qua nhồi thịt

Với mỗi gia đình miền Nam thì món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn thường ngày quen thuộc. Và nó cũng được sử dụng trong những ngày Tết với ý nghĩa đẩy lùi những khó khăn đi qua. Không những thế, đây cũng là món ăn bổ dưỡng giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết.

Dưa giá

Với đặc tính mát, vị giòn ngon nên món dưa giá được rất nhiều người lựa chọn để giải nhiệt trong những ngày Tết. Dưa giá ăn cùng với cơm, cuốn bánh tráng, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm trong ngày Tết. Thành phần chủ yếu tạo nên món dưa giá bao gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể.

Theo baodulich

Tin khác