Đây được xem là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của vùng đất "Xứ Giồng" này khi có sự kết hợp hài hòa của nước dùng là mắm và thịt cá lóc của người Khmer, bắp chuối và rau muống thái sợi của người Kinh, thịt quay béo giòn của người Hoa. Bún nước lèo Sóc Trăng còn là một trong top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam.
Ảnh minh họa từ internet
Là một đặc sản ẩm thực xuất xứ từ người Khmer, trong quá trình cộng cư của các dân tộc Khmer, Việt, Hoa và sự giao thoa trong ẩm thực, bún nước lèo trở thành món ăn chung của các dân tộc miền Nam Việt Nam với nguyên liệu, quy trình chế biến và thưởng thức, khẩu vị về cơ bản là giống nhau.
Bún nước lèo khác bún mắm ở chỗ nước lèo trong, dù thành phần chính của nó không thể thiếu mắm. Loại mắm thường dùng là mắm bò hóc (pro-hốk) lấy từ cá kèo, cá lóc hoặc lươn. Mắm bò hóc xuất xứ từ người Khmer đã lan rộng đến văn hóa ẩm thực của cộng đồng người Việt ở miền Tây. Để có nước lèo trong, người ta dùng xương ống, xương sườn lợn, tôm thẻ ninh nhỏ lửa trong nước, hớt bọt để lấy nước dùng trong, ngọt. Sau đó mới gia thêm mắm bằng cách cho mắm vào rây, lượt trong nước để mắm rã ra nước và bỏ xác mắm.
Ảnh minh họa từ internet
Nhiều nơi cất công làm sợi bún để tô bún nước lèo đặc biệt thơm ngon. Bún làm từ loại gạo dẻo, tốt nhất là gạo mùa, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Bột lại được nhồi thật dẻo và nắm thành từng cục, sau đó cho vào khuôn bún và vặn để bột tạo sợi qua khuôn. Các sợi bún rơi xuống nồi nước sôi và được làm chín tại đây. Người làm bún vớt bún đã chín trong nồi nước sang một nồi nước thật trong, pha âm ấm, sau đó bắt thành từng con bún để lên thúng tre đã lót lá chuối tươi.
Thực phẩm ăn kèm với bún nước lèo khá đa dạng và đây là đặc điểm để nhận biết vùng miền của tô bún. Ăn bún nước lèo ở Sóc Trăng ngoài cá lóc, thịt heo quay, tép đất, rau giá, còn có thêm vài cái bánh cóng chiên nho nhỏ, giòn giòn. Mùi thơm của mắm, hòa quyện chút mỡ màng của bánh cóng khiến tô bún ngon khó cưỡng.
Nếu bạn ăn bún nước lèo ở Trà Vinh thì thay vì bánh cóng lại là món… chả giò chiên. Có nơi còn chế biến cả bánh mì chiên cho tăng phần hấp dẫn của tô bún. Riêng tại An Giang, món bún nước lèo được gọi là bún cá. Món bún này "topping" chủ yếu là cá lóc và màu chủ đạo là màu vàng của nghệ. Những món có thể ăn kèm cũng rất phong phú như thịt heo quay, chả lụa và cả… hột vịt lộn!
Rau trong tô bún nước lèo cũng rất màu sắc: màu xanh của hẹ, rau húng, rau muống bào; màu đỏ của bắp chuối, của ớt xay nhuyễn, màu trắng của giá … Cộng thêm cuốn chả giò, cái bánh cóng chiên giòn ăn kèm nhai rôm rốp… Tất cả tạo nên một cảm giác đặc biệt hấp dẫn, khó quên khi thưởng thức.
Về miền Tây, nhất là miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… nhớ đừng bỏ qua món bún nước lèo ngon tuyệt nha các bạn.