Người dân Bình Định quê tôi ngày xưa nuôi nhiều heo lắm. Nhà nào cũng heo đầy chuồng, nhà nào ít cũng nuôi một hai con để tết làm thịt.
Heo ngày xưa ăn cám, ăn rau lang, rau muống, được nấu cháo gạo tấm, gạo lừng cho ăn nên thịt heo thơm lắm. Heo ngày đó quý nên chỉ giỗ chạp hay tết nhất mới dám làm thịt một con. Thịt heo nuôi săn chắc, ăn ngon mà không bị quá tanh mùi thực phẩm như bây giờ.
Hồi đó người ta làm heo, tận dụng luôn cả bộ lòng không bỏ vì uổng. Heo vừa làm ra, bộ lòng được chọn chà rửa, xát muối thật kỹ, rửa sạch bằng nước lạnh ba bốn lần rồi mới bỏ chung nấu trong nồi cháo.
Khi cháo chín cũng vớt bộ lòng ra để nguội rồi xắt ăn, thơm và giòn vô cùng. Húp miếng cháo, ăn miếng lòng, chấm thêm miếng bánh hỏi thì ngon bá cháy.
Ngày nay món này lại trở thành đặc sản của quê tôi. Bạn bè tôi quen biết từ Sài Gòn đến Hà Nội hầu như ai cũng thích món này nếu đã từng được nếm thử.
Không biết từ khi nào món cháo lòng bánh hỏi Bình Định quê tôi lại trở thành món đặc sản được nhiều người yêu thích đến như vậy. Nếu bạn chưa ăn để tôi tả cho bạn nghe!
Cháo: đặc điểm của cháo lòng Bình Định là được nấu rất lỏng. Cháo khi nấu xong có màu trắng của gạo, màu vàng của nghệ chứ không đen đen do màu huyết và đặc quánh.
Không cần bỏ dầu mỡ gì, chỉ mỡ heo được tạo ra từ bộ lòng cũng đủ nhìn nồi cháo lấp lánh.
Cháo chín người ta bỏ lá hành xắt nhuyễn hoặc vài cọng lá hẹ. Vài chỗ còn cho thêm hành tím củ xắt lát phi thơm. Nhiêu đó cũng đủ thấy món cháo ngon rồi.
Lòng: thường người ta chọn bộ lòng của con heo vừa mới mổ. Bộ lòng kèm với tim, gan và cật. Tất cả rửa sạch sơ chế rồi bỏ chung vào nấu với gạo. Khi bộ lòng tim gan này vừa chín là vớt ra để nguội và xắt xắp lên dĩa.
Bánh hỏi: là loại bánh hỏi được làm đúng từ bằng bột gạo nên thơm ngon và khá dai. Bánh hỏi làm từng thớ nhỏ, mỏng vừa miệng ăn rồi trét lên đó tí dầu đã chín pha thêm hẹ loại nhỏ.
Quán nào bán món cháo lòng bánh hỏi ngon nhất định người chủ quán có bí quyết làm nước mắm chấm rất ngon.
Nước mắm ở quê tôi người ta làm để mặn, chỉ pha chút xíu nước ấm cho vừa đủ vị chứ không quá ngọt như các loại nước chấm trong miền Nam.
Bày tô cháo nóng hổi bên cạnh dĩa lòng thơm ngon với một dĩa bánh hỏi kèm với ít rau sống nữa là ăn ngon bá chấy.
Cháo lòng bánh hỏi Bình Định phải ăn với đủ thành phần nguyên liệu như vậy mới gọi là ngon.
Và ngon đến nỗi người ta không thể phân biệt đâu là thành phần chính, đâu là phụ. Chỉ biết là buổi tối, tầm 1-2h khuya, mấy quán cháo lòng ở ngã ba Đập Đá hay ở Bình Định đều sáng đèn và đông khách ăn.
Món cháo dễ húp, kèm với bánh hỏi thơm ngon làm người ta không lo đói. Người nào chiều chiều rảnh rỗi mà làm xị rượu Bầu Đá nhắm với dĩa lòng thì thôi khỏi nói luôn, mấy bà vợ sẽ bị ế cơm chiều.
Giờ xa quê, rong ruổi trên những chuyến xe đi từ Nam chí Bắc, sang tận Trung Quốc nhưng mỗi khi thử món cháo lòng thì không đâu sánh bằng món cháo lòng bánh hỏi Bình Định. Có dịp đi ngang nhà, tôi cũng nói mẹ mua cho bằng được món này để thưởng thức.
Ăn món cháo lòng bánh hỏi, không chỉ ngon mà còn ấm lòng với những đứa con miền đất võ rong ruổi, rày đây mai đó như tôi.