"Ve sầu khóc suốt mùa đông", con ve tỉ tê mùa đông thế nào chẳng biết chứ con nít làng Giồng Ông Tố (quận 2) xưa kia hễ thấy hoa phượng đỏ rực đầy cành, mưa lai rai ướt đất lập tức mừng quắn đít.
Hè nghỉ xả láng ba tháng đương nhiên khoái rồi, nhưng có một thú vui, một thức ngon tuyệt diệu không nơi nào có đó là đi soi ve và được ăn ve ve.
Ve kim làng Giồng thân hình bé nhỏ chưa đầy lóng tay, mình đen nhánh, tiếng kêu thánh thót, khác hẳn ve bầu to lớn oàm oạp oàm oạp trên các cây me thành phố. Chỉ có ấu trùng tức con của ve kim mới ăn được, và hình như chỉ dân làng Giồng biết ăn ve ve.
Ai không biết cứ tưởng cuộc đời ve ngắn ngủi, ỏng ảnh xí xọn hết mùa hè xong ngủm củ tỏi. Bé cái lầm! Trước khi le lói bay lượn dập dìu, lảnh lót um sùm thì các em ve tí teo phải sống chui nhủi dưới lòng đất ít nhất 13 tới 17 năm.
Lầm lũi bám rễ cây hút nhựa sau hơn bao mùa mưa nắng, cuối cùng đến ngày đến tháng những nhộng ve hệt nhộng tầm.
Da vàng óng, hai mắt to thồi lồi giông giống châu chấu, cẳng chân tựa chân dế ốc tiêu bắt đầu chậm chạp bò lên mặt đất đặng lột vỏ hóa ra những nàng ve kiều diểm hai cánh trong suốt.
Dân làng Giồng gọi nhộng ve là con ve ve. Mùa ve ve bắt đầu khi mưa thấm đất vừa đủ mềm, ban đêm người ta đi dọc theo ranh tre, ranh vườn bắt các con ve ve vừa mới từ dưới đất chui lên, sáng đem ra chợ Giồng bán hàng rổ bự.
Ve ve hồi đó được bán theo từng chục, người mua thường mua mỗi lần trên một trăm con. Làm ve ve cực lắm phải tỉ mỉ tẩn mẩn ngồi lặt hết chân, con nào lỡ lột vỏ rồi thì phải bỏ luôn đôi cánh non.
Ve xào cuốn bánh tráng chẳng thứ gì sánh bằng. Bụng đói cồn cào liền khi ngửi mùi của chảo mỡ phi hành tỏi thơm phưng phức rồi đổ ve ve vô chao qua chao lại, dậm xí tiêu xí nước mắm.
Ve ve chín săn mình xúc ra đĩa vàng ươm, cuốn bánh tráng, dưa chuột, rau sống rồi chấm nước mắm chanh ớt.
Vị bùi, béo ăn miết, cuốn mỏi tay vẫn chưa đã thèm. Ve ve xào giống nhộng tằm xào, có điều thơm phưng phức chứ không hôi như nhộng tằm, sau khi xào xong hương nồng nàn y như đậu phộng rang.
Mà đâu chỉ có ve ve xào, còn ve ve lăn bột chiên giòn ăn mãi mà chả ngán, cứ thòm thèm muốn tới tới. Chứ nhiều món như tôm chiên lăn bột ăn chừng vài con đã ớn ngược ớn xuôi.
Rồi bánh xèo ve ve, ve ve kho mặn ăn ngon hơn cá bống trứng kho tiêu. Ve ve giả đậu rang Chà Và thiệt đúng "dách lầu".
Trước kia, ai ở Sài Gòn mà hay ăn vặt thế nào cũng biết món đậu rang Chà Và luôn bán kèm với bánh còng rế chiên ròn rụm, thơm phức mùi quế, mùi lá cà ry.
Ve ve giả đậu rang Chà Và cũng ướp nhộng ve với lá cà ry xong rồi bỏ vào chảo muối ớt lăn qua lăn lại cho tới khi chín, mà ve ve thì rất mau chín.
Nhón từng con một bỏ vào miệng úi dào ơi, tan tơi rao ráo rao ráo, nếu không nói trước chắc ai cũng tưởng mình đang ăn đậu rang Chà Và thứ thiệt bên Ấn Độ.
Dân chúng ngày càng đông đúc, xã hội phát triển, làng Giồng dần mất đi những khu vườn, những ranh tre, đâu đâu cũng nhà cao tầng, ve ve biến mất.
Lâu lắm rồi dân làng Giồng không ai còn nhắc con ve ve nữa. Tụi con nít sau này cũng không hề biết được thú vui ban đêm thắp đèn lon sữa bò đi bắt ve ve về bỏ vào trong mùng để sáng hôm sau thức dậy thấy cái vỏ vàng óng nằm kế bên con ve kim đang hong khô đôi cánh.
Nếu còn ắt hẳn sẽ là một trong những đặc sản quý hiếm bán đắt hơn tôm tươi tại các nhà hàng năm sao.