Đồng bộ triển khai bộ chỉ số DDCI
Nhờ những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tiền Giang năm 2021 đạt 64,41 điểm, xếp hạng 33/63 địa phương trong cả nước và thứ 8 trong 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long, tăng 12 bậc so với năm 2020 và cũng là năm Tiền Giang đạt thứ hạng PCI cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Quyết tâm mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhằm không chỉ cải thiện điểm số, xếp hạng PCI hay DDCI mà chính là cải thiện môi trường đầu tư, hình ảnh của tỉnh trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một trong những giải pháp trọng tâm hiện nay đang được triển khai là tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương – từ đó tạo tác động lan tỏa đến bức tranh phát triển chung của toàn tỉnh. Trong đó, Tiền Giang xác định cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp tại chỗ là hạt nhân để nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Tiền Giang được giới thiệu bao gồm 10 chỉ số thành phần áp dụng đối với khối địa phương (UBND cấp huyện) gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; Chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; Minh bạch thông tin và đối xử công bằng; Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa; Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; Chi phí không chính thức; Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.
Theo kế hoạch sẽ có 7.000 phiếu điều tra và có 3.000 doanh nghiệp sẽ tham gia khảo sát qua hình thức trực tuyến và khảo sát viên trực tiếp đến để hỗ trợ kỹ thuật điền phiếu trên platform trực tuyến. Các đối tượng chính tham gia bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Kết quả tính điểm sau khảo sát dự kiến được công bố vào tháng 11 – 12/2022.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Ngày 18/10/2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 2703/QĐ-UBND về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Về các chỉ số cải cách hành chính (PAPI, PAR Index, PCI), tỉnh phấn đấu đến năm 2025 các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm 30 của cả nước. Tiền Giang sẽ có 95% sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện được đánh giá chỉ số cải cách hành chính đạt từ loại tốt trở lên. Đồng thời mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực thủ tục hành chính đạt 95% trở lên vào năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Tiền Giang, Ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Vì thế, Ông Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và địa phương cần phải quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn và nâng cao hiệu quả các chỉ số CCHC. Bên cạnh đó cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra công vụ, để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; củng cố lại và phát huy chuyên đề thi đua về CCHC. Tiếp tục duy trì và củng cố công tác thông tin tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính và nâng chất nội dung thông tin tuyên truyền trên các trang cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh ban hành chỉ đạo cụ thể quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Các cơ quan ban ngành chủ động nghiên cứu các tiêu chí, tiêu chí thành phần và kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm để chỉ đạo khắc phục các mặt còn yếu kém, đặc biệt trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công phụ trách chỉ số, chỉ số thành phần, tiêu chí, tiêu chí thành phần chịu trách nhiệm chủ trì, theo dõi, tham mưu, hướng dẫn, có biện pháp nâng cao các chỉ số.
Các đơn vị cấp cơ sở phải kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, trong đó phân công nhiệm vụ thành viên phụ trách từng lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính ở các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã phải liên tục nâng cao năng lực, trình độ cũng như sẽ được hưởng chế độ, chính sách hợp lý. Người lãnh đạo các cấp phải quan sát và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ban hành bộ tiêu chí để doanh nghiệp nhận xét sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với tính chất quan trọng trong mục tiêu sắp tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch; trong đó, có kế hoạch nâng cao các chỉ số trong năm 2022 và những năm tiếp theo để tiếp tục tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh và sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo ở địa phương, là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.Tiền Giang luôn xác định lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp là đích đến của mọi sự phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.