Qua thời khách du lịch 'vung tay' chi tiền

Thứ Ba, 04/04/2023 06:27
Tâm lý thoải mái, ít lo nghĩ việc tiêu xài khi du lịch, miễn giải tỏa tinh thần sau chuỗi ngày bí bách vì dịch bệnh đang đến hồi kết thúc, nhường chỗ cho sự tính toán, tiết kiệm.

Theo Bloomberg, ngay cả nhóm khách du lịch cao cấp, sẵn sàng chịu chi cũng đang phải rút lại chi tiêu cho những kỳ nghỉ dưỡng của họ.

Kết luận trên rút ra từ khảo sát mới nhất của tờ này, với 465 người gửi phản hồi về các câu hỏi liên quan đến mức chi hiện tại cho việc đi du lịch.

Những người được hỏi chủ yếu là doanh nhân, nhà quản lý danh mục đầu tư, nhà quản lý cấp cao và nhà đầu tư bán lẻ. Hơn một nửa trong số đó đến từ Mỹ, Canada và một phần tư đến từ châu Âu.

Trong số 18% cho biết họ sẽ giảm chi tiêu, 72% là doanh nhân chuyên nghiệp và 28% làm việc trong lĩnh vực bán lẻ. Số người “vung tiền” trong kỳ nghỉ tiếp theo ở tỷ lệ rất nhỏ: 7%.

du lich tra thu anh 1

Trước sự bấp bênh của nền kinh tế Mỹ, cộng với những biến động chưa có dấu hiệu dừng lại của thị trường lao động, việc sẵn sàng vung tiền cho những kỳ nghỉ cũng thụt lùi theo, ngay cả với những người dư dả. Ảnh: Insider

Người giàu cũng dè xẻn

Khoảng 69% người tham gia cho biết ngân sách tối đa cho mỗi đêm ở khách sạn của họ là 500 USD, trong khi 24% sẵn sàng chi tới 1.000 USD. Chỉ 5% đặt giới hạn ở mức 2.000 USD và 2% sẵn sàng trả khoản tiền 3.000 USD cho một đêm ngủ tại khách sạn hoặc resort.

Mặc dù khoảng giá 500-1.000 USD nghe có vẻ cao, song phạm vi này đã nằm ngoài giá của những khách sạn sang trọng nhất ở hầu hết thị trường du lịch lớn và chỉ có thể đủ chi trả cho các phòng lớn tại khách sạn tầm trung.

Theo dữ liệu từ Google, giá thông thường cho các khách sạn 5 sao ở thành phố New York là 523-1.000 USD cho một đêm vào thời điểm tháng 4 và tháng 5. Ở Paris, con số đó cao hơn, dao động từ 707 USD đến 1.400 USD. Ở St. Barts ngoài khơi khu vực Caribbean, nơi cuối mùa xuân là thời điểm du lịch đẹp nhất trong năm, mức giá thông thường cho một khách sạn cao cấp lên tới 1.500 USD.

Tháng 3 vốn là thời điểm đông người bắt đầu hoàn thiện việc mua vé, đặt chỗ đi chơi cho mùa hè, thậm chí có những người đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ cuối năm. Nói cách khác, đây là một trong các giai đoạn nhộn nhịp nhất trong năm của việc đặt chỗ, từ vé máy bay cho đến khách sạn, các địa điểm tham quan.

Kết quả của cuộc khảo sát đồng thời dự báo các khách sạn, nhà hàng và hãng hàng không sang trọng sẽ phải đối mặt với những người tiêu dùng ngày càng khó tính trong việc bỏ tiền vào mùa hè này.

Thị trường lao động bấp bênh, ngành ngân hàng gặp khủng hoảng, lạm phát tăng cao, nợ tín dụng cũng trong tình trạng tương tự. Tất cả yếu tố ấy khiến nhóm khách du lịch vốn dư dả về tiền bạc, không tính toán quá nhiều miễn sao có kỳ nghỉ vui vẻ theo ý muốn, cũng phải thắt chặt lại hầu bao.

Chi tiêu dè xẻn hơn cho các chuyến đi cũng dễ khiến nhiều du khách chùn bước trước giá vé máy bay tăng cao. Một số hãng hàng không, như Deutsche Lufthansa AG của Đức, đang cố tình kiểm soát sức chứa, hy vọng những khách du lịch muốn du lịch bù, không quan tâm đến giá cả sẽ sẵn sàng chi đậm để đến các điểm đến mong muốn.

du lich tra thu anh 2

Những điểm du lịch chật kín khách sau khi đại dịch qua đi. Ảnh: SCMP

Khách du lịch không còn "vung tay"

Theo khảo sát của Bloomberg, một xu hướng du lịch phát triển liên tục là “bleisure”, trong đó du khách kết hợp những ngày nghỉ phép với chuyến công tác để tận hưởng điểm đến của họ khi rảnh rỗi.

62% nhà đầu tư chuyên nghiệp và 56% nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết họ dự kiến có những chuyến đi như vậy trong năm nay. Lý do chính là sự kết hợp này giúp tiết kiệm chi phí hơn.

Chia sẻ này trở nên dễ hiểu khi các nhà đầu tư bán lẻ linh hoạt hơn đối với công việc từ xa so với nhân viên làm việc cho các ngân hàng và công ty ở Phố Wall, nhưng điều đáng chú ý là cả hai nhóm này thường tránh xa việc vắng mặt lâu ở văn phòng.

Trên thực tế, phần lớn những người được hỏi nói rằng nhìn chung thói quen của họ đã được điều chỉnh lại theo các tiêu chuẩn trước đại dịch. Chỉ 10% cho biết họ thấy mình có những lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường hơn và 50% cho biết mức chi tiêu của họ đã trở lại mức trước năm 2020, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Điều này phần nào phản ánh niềm tin của người tiêu dùng đang giảm sút hoặc những lời phàn nàn về việc tăng giá không đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ một cách tương ứng.

Đối với những du khách đó, giai đoạn được gọi là du lịch đã đi qua.

Cụm từ này vốn chỉ tâm lý chung sau đại dịch là nhiều người bắt đầu đổ xô đi chơi để giải tỏa sự dồn nén và bù đắp thời gian đã mất. Dù giúp phục hồi kinh tế, xu hướng này không chỉ gây căng thẳng lên ngành hàng không, khách sạn mà còn nhiều ngành dịch vụ liên quan.

Theo Hiền Thy (Zing)

Tin khác