Du lịch Việt Nam còn thiếu gì để níu chân khách quốc tế?

Thứ Hai, 03/04/2023 07:00
Theo tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, sự phát triển về du lịch mua sắm và du lịch sức khỏe sẽ là ngành du lịch mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của "vua hàng hiệu"

Năm 2022, khi dịch Covid-19 dần lắng dịu, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn con số mục tiêu là 5 triệu.

Năm 2023 được kỳ vọng là năm "bứt tốc" của du lịch Việt Nam. Trước làn sóng suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Đông Nam Á, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình, khắc phục quyết liệt những hạn chế và phát huy thế mạnh.

Thông qua tuyến bài "Vì sao khách quốc tế chưa "mặn mà" với Việt Nam?", Báo Dân trí đã đăng bài đề cập đến những trải nghiệm thực tế của khách du lịch quốc tế về Việt Nam. Trong đó, nạn chặt chém, chính sách visa, hạn chế về đường bay… là những yếu tố khiến du lịch Việt Nam tiếp tục bị kìm hãm.

Năm 2022, khi dịch Covid-19 dần lắng dịu, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn con số mục tiêu là 5 triệu.

Năm 2023 được kỳ vọng là năm "bứt tốc" của du lịch Việt Nam. Trước làn sóng suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Đông Nam Á, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình, khắc phục quyết liệt những hạn chế và phát huy thế mạnh.

 

01. Đề nghị phạt nặng tiểu thương chặt chém du khách

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận (SN 1954), có 40 năm buôn bán tại một khu chợ thuộc quận 8, TPHCM. Hai tuần một lần, bà đều dành thời gian đến đền thờ Bà Mariamman trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 và ghé chợ Bến Thành ăn bún.

Là người địa phương nhưng bà chỉ dám ăn uống tại chợ, không mua sắm hàng hóa tại đây bởi lý do "không biết giá nào mà lần".

Theo bà, mức giá ở chợ trung tâm có thể đắt đỏ hơn chợ ở các khu vực khác. Tuy nhiên, giá không được vượt gấp đôi, gấp ba. Đối với khách nước ngoài, họ không rành về giá thành sản phẩm nên không thể đưa ra mức tốt nhất.

"Là một tiểu thương nên tôi hiểu. Việc bán được một món hàng giá hời sẽ không quan trọng bằng người ta có ghé mình lần tiếp theo hay không. Khách bị "chặt chém" sẽ khiến họ có cái nhìn không thiện cảm, một đi không bao giờ quay lại", bà Thuận nói.

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ trong khu vực chợ Bến Thành, những con đường xung quanh là nơi tập trung nhiều cửa hàng túi xách, quần áo… Tuy nhiên, người mua buộc phải trả giá để nhận được mức hợp lý.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 1

Du khách ngoại quốc mua sắm ở TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy)

Ông Phong Hoàng (ngụ TPHCM) cho rằng kinh tế du lịch là một phần rất quan trọng. Để thu hút khách quốc tế, TPHCM cần có dịch vụ tốt, giá cả phải chăng, nhiều điểm vui chơi. "Do vậy, nếu nạn chặt chém phát triển tràn lan thế này thì sẽ chẳng ai dám tới nữa. Dịch vụ vận chuyển, ăn uống cần niêm yết giá cụ thể. Tại các khu du lịch, điểm mua sắm lớn cần có số đường dây nóng để khách gọi khi thấy nạn chặt chém", ông Phong đề xuất.

"Vi phạm lần đầu phạt gấp 10 lần giá trị sản phẩm, buộc bổi thường cho khách 50%, 50% còn lại nhập quỹ địa phương phát triễn điểm du lịch, vi phạm lần 2 cấm bán vĩnh viễn. Ngoài ra cần tổ chức kiểm tra thường xuyên xem các đơn vị, tổ chức, cửa hàng... có thực hiện hay không?", ông Phong nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Phong cũng đưa ra giải pháp rằng, TPHCM nên thí điểm một số tuyến đường cho buôn bán thức ăn, hàng hóa cho du khách. Ẩm thực đường phố cũng là điểm thu hút khách, song song đó phát triển các ngành nghề thủ công ở địa phương hy vọng sẽ phục hồi lại nền du lịch Việt Nam.

Về vấn đề trên, ông Hồ Tiểu Bảo - giảng viên khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - cho biết, văn hóa "trả giá" không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.

"Đây là một văn hóa hình thành giữa mối quan hệ giữa người bán và người mua. Người bán muốn bán được giá cao hơn xíu, nếu bán được thì cũng sẽ "rất vui". Đồng thời, người mua trả giá thành công để có được món hàng mà mình cần thì "tâm lý chiến thắng" trong giao dịch này cũng xuất hiện. Tuy nhiên, điều này chỉ hợp lý khi thỏa điều kiện là người bán nâng giá trong khoảng được chấp nhận", ông Bảo nói.

Du khách người Malaysia YC Wong nhận định, tại quốc gia của anh, giá cả ở các khu du lịch, cửa hàng… được kiểm soát rất chặt chẽ, nhằm không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. "Bạn sẽ mất luôn một khách du lịch tiềm năng, nếu bạn để họ gặp phải tình trạng "chặt chém", Wong giải thích.

Theo Wong, tình trạng nâng giá cao gấp đôi bình thường có thể xảy ra ở một số xe tải bán nước giải khát Ở Langkawi (hòn đảo thuộc Malaysia), hoặc vài nơi bán đồ lưu niệm tại thủ đô Kuala Lumpur… Tuy nhiên, nó rất hạn chế, và không xảy ra thường xuyên.

Wong chia sẻ thêm: "Khi đã hình thành khu ẩm thực, khu mua sắm cho khách du lịch, giá được kiểm soát chặt về giá cả. Đó là loại hình phổ biến ở Malaysia. Khách du lịch sẽ đến đó thay vì mua ở người buôn bán nhỏ lẻ, không cố định".

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 2

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có nhiều chia sẻ về tình hình du lịch Việt Nam và các nước trong khu vực thời gian vừa qua (Ảnh: NVCC)

 

02. "Mức độ chi tiêu khách quốc tế ở Việt Nam chỉ bằng 40% Thái Lan"

 

Mới đây, trong hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch", tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tich Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) có chia sẻ về thực trạng và phương hướng phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế trong thời gian sắp tới.

Theo vị "vua hàng hiệu", thứ nhất, theo thống kê World Data về lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2008 - 2019, nếu xét số lượt khách du lịch hàng năm, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt top 4. Thế nhưng, trong khi các nước trong khu vực cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên một khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.

"Như vậy, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng nhưng về chất lượng và dịch vụ cần được xem xét nghiêm túc. Lượng khách của Việt Nam chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu khách quốc tế chỉ bằng 40%", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 3

Nhà thờ Đức Bà là một trong những điểm du khách lui tới khi đến TPHCM (Ảnh: Tiên Phùng)

Thứ hai, thông qua báo cáo của Global Wellness Institute, hiện nay thế giới có rất nhiều loại hình du lịch. Trong đó, 7 loại hình phổ biến nhất là: du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá mạo hiểm, du lịch công việc, du lịch mua sắm và du lịch sức khỏe. 

Thế nhưng, hiện nay Việt Nam chỉ mới có 5 loại hình thông qua điều kiện tự nhiên, văn hóa vốn có và việc tổ chức các sự kiện tại các tỉnh thành. 

"Du lịch khám phá, công việc đa phần mang tính nhỏ lẻ, tự phát, trong khi du lịch sức khỏe, du lịch mua sắm, giải trí thì còn rất hạn chế, hầu như chưa ai nghĩ đến", vị tỷ phú nói thêm.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 4

Khung cảnh hiện đại của trung tâm quận 1, TPHCM (Ảnh: Tiên Phùng)

 

03. Việt Nam còn thiếu gì so với khu vực?

 

Bằng cách dẫn chứng cụ thể, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đưa ra 3 khảo sát tại Thái Lan, Singapore và đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đây là những khu vực cận Việt Nam nhưng có sự phát triển du lịch vượt trội.

"Vua hàng hiệu" chỉ ra, Singapore tuy chỉ có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc, hạn chế về thiên nhiên, nên họ chọn mũi nhọn là 4 loại hình du lịch là mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm.

Đồng thời, chính sách miễn thuế đã giúp Singapore trở thành thiên đường mua sắm. Ngoài ra, với vị thế trung tâm tài chính quốc tế, họ tổ chức đẩy mạnh xây dựng các khách sạn, trung tâm hội nghị cao cấp, khu giải trí, casino... 

"Kết quả cho thấy, mặc dù diện tích chỉ bằng một đảo ở Việt Nam, nhưng số lượng khách quốc tế đến Singapore vượt rất nhiều so với chúng ta", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 5

Không có ưu đãi thiên nhiên, diện tích nhỏ nhưng Singapore vẫn là thị trường du lịch hút khách bậc nhất tại Đông Nam Á (Ảnh: Win Đi)

Thái Lan là nơi có nét tương đồng về điều kiện Việt Nam. Thế nhưng, đất nước này tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm, đặc biệt tập trung du lịch sức khỏe, làm đẹp bằng cách tạo ra các khu nghỉ dưỡng, trị liệu và mua sắm cho du khách. 

"Du lịch mua sắm đã góp tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỷ USD trong năm 2020 của Thái Lan. Trong khi 2 ngành du lịch này tại Việt Nam đã bị bỏ quên", vị tỷ phú nói. 

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 6

Trải nghiệm đi du thuyền trên sông Chao Phraya, ngắm chùa Arun nổi tiếng ở Thái Lan (Ảnh: N.M)

Với đảo Hải Nam (Trung Quốc) hiện nay đang có đầy đủ các yếu tố để phát triển cả 7 loại hình dịch vụ. Trong đó, đảo có trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới với khoảng 800 thương hiệu. 

"Trong thời điểm dịch bệnh sụt giảm khủng khiếp nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn cho phép gia hạn visa để tăng hạn mức người dân tới đó đi du lịch mua sắm, GDP tăng 4,2% gấp đôi Trung Quốc là chính sách cứu nguy trong tình hình thời điểm đó", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

 

04. Du khách cảm nhận như thế nào?

 

Nguyễn Trần Phương Vy (26 tuổi, ngụ TPHCM) thừa nhận đã mất 2 ngày ở Bangkok chỉ để mua sắm tại cách trung tâm thương mại lớn như Icon Siam, Siam Paragon, Silom Complex, Terminal 21, BigC…  Trở về Việt Nam, cô thống kê tiền mua sắm quần áo, túi xách và giày dép khoảng 5 triệu đồng, nhiều hơn cả chi phí ăn uống, vé máy bay. 

Vy cho biết, bản thân không phải là "tín đồ" hàng hiệu, nhưng Thái Lan là điểm đến khiến cô phải móc "hầu bao" nhiều nhất. "Trong bán kính 5km khu trung tâm Siam, có hơn 10 trung tâm thương mại lớn với sự "đổ bộ" của nhiều thương hiệu quốc tế, đa dạng mặt hàng và thường xuyên giảm giá. Vì thế, mỗi dịp Giáng sinh, Vy thường bay sang Bangkok để sắm đồ Tết. Vừa được du lịch, vừa có hàng hóa với giá rẻ", Vy giải thích. 

Năm 2019, cô lần đầu sang Malaysia và biết đến các trung tâm outlet (hàng chính hãng giảm giá - PV). Cô đã dành khoảng 7 tiếng/ngày ở trung tâm thương mại này.

Không gian rộng lớn đến mức đi "mỏi chân" nhưng nơi đây quy tụ hàng trăm nhãn hàng nổi tiếng. Vì thế khách du lịch có thể tự tin mua sắm không sợ tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Giá chỉ rẻ do hàng qua đợt thịnh hành.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 7

Khung cảnh tuyệt đẹp của Thái Lan (Ảnh: Travel)

Ye Wong (41 tuổi, người Malaysia) cho biết, anh bị hấp dẫn bởi các trung tâm mua sắm tại Bangkok hơn là TPHCM. Sầm uất, có giá rẻ, đa dạng mặt hàng là 3 yếu tố khiến anh gọi thủ đô Bangkok là "thiên đường mua sắm".

Các khu trung tâm thương mại của Bangkok thường được nối liền bằng cầu đi bộ với tàu điện, rất thuận tiện cho du khách di chuyển. Ngoài ra, tổ hợp của các trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế liền kề đã tạo cho du khách không gian "muốn mua sắm", và sẵn sàng chi tiền cho những món hàng có giá cả hợp lý.

Theo Ye Wong, không gian mua sắm rất quan trọng. Trung tâm thương mại cần được quy hoạch như khu phức hợp, có nhiều sự lựa chọn. Du khách Malaysia cho biết, anh có thể tìm thấy phố mua sắm ở Singapore, Thái Lan… nhưng chưa thấy ở Việt Nam. 

 

05. Hiến kế cách "móc hầu bao" khách quốc tế của vị tỷ phú

 

Thông qua việc phân tích, đánh giá vị trí du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, đồng thời tham khảo các xu hướng phát triển ở các nước lân cận và trên thế giới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã hiến kế cho giai đoạn sắp tới.

Trong đó, ông chia sẻ, việc phát triển loại hình du lịch sức khỏe sẽ là mấu chốt và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. 

"Theo báo cáo của Global Wellness Institute, quy mô du lịch sức khỏe trong năm 2020 là 436 tỷ USD, và dự báo tăng lên 1.128 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường mang lại doanh thu cao nhất và có tiềm năng trở thành ngành du lịch mũi nhọn của Việt Nam", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của vua hàng hiệu - 8

Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã gửi nhiều hiến kế phát triển du lịch thời gian tới, trong đó mũi nhọn là du lịch mua sắm và du lịch sức khỏe (Ảnh: Jet Huỳnh)

Về du lịch mua mua sắm, thị trường miễn thuế, Việt Nam đã bỏ ngỏ từ lâu. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị muốn thực hiện để hỗ trợ cho ngành hàng không, các công ty lữ hành, cạnh tranh giá cả với các quốc gia trong khu vực. 

Đồng thời, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành cùng lên kế hoạch bắt đầu đầu tư, xây dựng, làm sao cho có trung tâm tài chính, Disneyland, các khu công viên giải trí, casino đẳng cấp, các trung tâm thương mại bán hàng giảm giá (factory outlets), các khu mua sắm hàng miễn thuế có mặt khắp các thành phố lớn Việt Nam… Đó là lý do để Việt Nam hấp dẫn du khách, níu chân họ ở lại lâu hơn theo đúng định hướng đã quy hoạch của Chính phủ.

"15/3, khách Trung Quốc đã quay lại Việt Nam. Đây là việc chúng ta cần phải làm ngay.  Ngoài nói những chủ trương lớn, chúng ta cũng không quên đi những câu chuyện nhỏ như nhà vệ sinh, đội ngũ ăn xin, đánh giày, gia tăng quầy thu đổi ngoại tệ… Nó ảnh hưởng đến khách du lịch, khiến họ bức xúc mà không biết nói với ai", "vua hàng hiệu" nhấn mạnh.

Sáng 15/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa).

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Ảnh: Jet Huỳnh, Tiên Phùng

Theo Huy Hậu, Diệp Bình (Dân trí)

Tin khác