Mở rộng miễn thị thực đơn phương: Nhắm đến thị trường “khách sộp”

Thứ Bảy, 01/04/2023 14:59
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, miễn thị thực đơn phương cần được coi là “át chủ bài” trong cuộc đua thu hút du khách quốc tế, mà trước tiên, cần hướng đến các thị trường “khách sộp” chi cao, ở lâu, đến nhiều.

Cải thiện chính sách visa 

Trong nỗ lực cải thiện chính sách visa để hút khách quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.

Cụ thể, các bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới đối với 3 nội dung: cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Trước đó, tại Tọa đàm Hiến kế hút khách quốc tế do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 22/3, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, nội dung nổi bật nhất là những bước đột phá, cởi mở trong chính sách visa.

Trước thông tin trên, những người làm du lịch đều vui mừng, song vẫn rất trăn trở, vì “át chủ bài” hấp dẫn khách quốc tế vẫn chưa được đề cập, đó là mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương.

Đề xuất miễn visa cho thị trường chi cao, ở lâu Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.

Năm 2022, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam “đi trước, về chậm” trong cuộc đua hút khách quốc tế được chỉ ra là do “điểm nghẽn” visa.

TS. Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm bộ môn, giảng viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) khẳng định, tuy du khách quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ trong số du khách tại Việt Nam, nhưng mức chi tiêu trung bình gấp 11 lần so với khách nội địa.

Về triển vọng của du lịch Việt Nam năm 2023, TS. Nuno F. Ribeiro nhận định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận có thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn. Do đó, Chính phủ cần sớm mở rộng miễn visa đơn phương cho các thị trường có nhiều khách đến Việt Nam và các thị trường có sức chi trả cao, ở lâu, đến nhiều để tăng trưởng cả lượng và chất một cách bền vững.

Cho rằng việc tăng số nước miễn visa đơn phương là “át chủ bài” để tạo “bước nhảy” cho ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch mong muốn Chính phủ sớm miễn visa cho toàn bộ khách từ EU và có thể miễn thêm visa cho đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE), đánh golf dưới sự xác nhận của các đơn vị tổ chức...

Tại Lễ ra mắt Sách trắng 2022/2023 hồi tháng 2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng kiến nghị Chính phủ miễn visa cho tất cả các nước châu Âu. EuroCham cũng đề xuất xem xét miễn visa ngắn hạn cho một số trường hợp nhất định (như đến tham dự triển lãm, diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại), xem xét miễn visa 3 tháng hoặc 6 tháng cho những người châu Âu thượng lưu muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam.

Dưới góc nhìn về năng lực cạnh tranh điểm đến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… thì cần thực hiện chính sách visa thân thiện tương đương hoặc thông thoáng hơn họ.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, việc miễn visa đơn phương cần được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và đưa vào các nội dung Chính phủ trình Quốc hội ngay trong kỳ họp tháng 5 tới để kịp đón khách đợt cao điểm mùa hè.

Theo Hồ Hạ (Báo Đầu tư)

Tin khác