Nhiều hứa hẹn từ Phố đêm Hoàng Thành Huế

Thứ Năm, 16/12/2021 16:16
THỪA THIÊN HUẾ - Ngày 16.12, UBND TP. Huế đã tổ chức buổi họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức Phố đêm Hoàng Thành Huế (giai đoạn 1).

Lễ hội áo dài tổ chức trước Ngọ Môn. Ảnh: PĐ.

Lễ hội áo dài tổ chức trước Ngọ Môn. Ảnh: PĐ

Theo đó, việc tổ chức Phố đêm Hoàng Thành Huế nhằm khai thác lợi thế khu vực Hoàng Thành để hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua xây dựng một số sản phẩm mới có tính đặc trưng đậm nét văn hóa Huế, tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách.

Xây dựng khu vực Phố đêm đường Lê Huân và 23 Tháng 8 nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Huế thông qua các hoạt động mô phỏng lễ hội Triều Nguyễn, nghệ thuật dân gian, hoạt động lễ hội đường phố, mua sắm đặc sản Huế, giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khám phá ẩm thực Huế của du khách và người dân, góp phần thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại, đặc biệt là bổ sung sản phẩm du lịch hoạt động về đêm hấp dẫn trên địa bàn TP. Huế.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện, định hướng cho người dân và các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường Lê Huân kinh doanh, phát triển văn minh thương mại, tạo ra nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng dân cư, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn thành phố.

Đây cũng là cơ sở tiến đến hình thành Phố đêm Hoàng thành trên các tuyến đường 23 tháng 8, Lê Huân, Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm. Từng bước kết nối với các khu vực quan trọng khác trong Kinh thành như hồ Tịnh Tâm - Học Hải; Lầu Tàng Thơ; khu vực Trấn Bình Đài- Mang Cá nhỏ; sông Ngự Hà và không gian Thượng Thành - Eo Bầu.

Đường 23 Tháng 8 - một trong những tuyến đường thuộc không gian phố đi bộ quanh Hoàng thành Huế. Ảnh: PĐ.

Đường 23 Tháng 8 - một trong những tuyến đường thuộc không gian phố đi bộ quanh Hoàng thành Huế. Ảnh: PĐ

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, Phố đêm Hoàng Thành Huế (giai đoạn 1) sẽ được tổ chức trong phạm vi từ Cửa Thể Nhơn đến đường 23 tháng 8 và tuyến đường Lê Huân từ Pháo đài Nam Thắng đến đường Yết Kiêu trong khoảng thời gian 19h00 đến 23h00, ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Tại đây sẽ có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phụ trách để phục vụ người dân và du khách như: Lễ đổi gác (từ cổng Ngọ môn đến cửa Chương Đức); Chương trình múa múa mặt nạ tuồng; Chương trình ca Huế; Chương trình biểu diễn áo dài ngũ thân; Các hoạt động trò chơi cung đình như đầu hồ, thư pháp, bài vụ, xăm hường.

Ngoài ra, sẽ có những chương trình do Trung tâm VHTT&TT TP. Huế phụ trách như: Chương trình lễ hội lân sư (tại Quảng trường Ngọ môn, Tây Khuyết Đài và quảng diễn trên tuyến 23 tháng 8 và Lê Huân); Chương trình lễ hội áo dài; Chương trình lễ hội đèn lồng; Chương trình lễ hội ánh sáng; Các hoạt động văn hóa nghệ thuật như tranh làng sinh, vẽ mặt nạ, làm hoa giấy Thanh Tiên, làm quạt, tò he, làm đèn lồng, các chương trình nghệ thuật dân gian, đường phố tại công viên đường Lê Huân.

Trên tuyến đường Lê Huân, UBND TP. Huế khuyến khích các cá nhân, tổ chức có nhu cầu trên địa bàn vào kinh doanh trưng bày các mặt hàng lưu niệm, quà tặng, đặc sản Huế.

Ưu tiên trưng bày, kinh doanh trên các quầy hàng dọc tuyến đường như đèn lồng, dệt, hoa giấy Thanh tiên, nghệ thuật trúc chị, các sản phẩm từ sen, các sản phẩm từ tranh làng Sình, pháp lam, mỹ phẩm truyền thống, sản phẩm trang sức truyền thống, sản phẩm Đông Y, mỹ nghệ. Các sản phẩm ẩm thực như chè Huế, trà Huế, bánh Huế.

Trên lòng đường Lê Huân sẽ bố trí thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật không tập trung quá đông người: Nhân tượng, hóa trang, âm nhạc đường phố, vẽ tranh, trò chơi dân gian.

Trước đó, vào năm 2017, UBND TP. Huế đã tổ chức phố đi bộ trên tuyến các đường Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu. Tuyến phố này người dân địa phương hay gọi là phố Tây, chủ yếu phục vụ ăn uống về đêm.

Việc có thêm tuyến Phố đêm Hoàng Thành Huế với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách trong thời gian tới.

Theo Lao Động

Tin khác