Du lịch miền Trung thiếu hụt lao động và câu chuyện “con gà, quả trứng"

Thứ Tư, 15/12/2021 10:30
Các tỉnh miền Trung đang tái khởi động ngành du lịch, dịch vụ, mở cửa du lịch trở lại để đón khách nội địa và quốc tế trong bối cảnh mất gần hết người lao động do ảnh hưởng dịch bệnh.

Các tỉnh miền Trung mở cửa đón khách du lịch trở lại trong bối cảnh mất 80% nguồn nhân lực. Ảnh: Từ Ân

Các tỉnh miền Trung mở cửa đón khách du lịch trở lại trong bối cảnh mất 80% nguồn nhân lực. Ảnh: Từ Ân

Thừa Thiên - Huế chỉ còn 3.000 lao động

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên qua gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19, phần lớn lao động trong ngành du lịch đã dịch chuyển, tìm việc làm mới.

Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cuối năm 2020, lao động trong ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên - Huế còn khoảng 7.000 người; cuối năm 2021, số lao động chỉ còn khoảng 3.000 người nhưng không thường xuyên, chủ yếu là các lao động chất lượng cao, được các doanh nghiệp trả lương một phần hằng tháng để giữ người.

Tại thành phố Đà Nẵng, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, quý I/2020, thành phố có hơn 50.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Cuối năm nay, chỉ còn hơn 11.000 lao động, giảm 80%. Đáng nói là số 20% còn lại cũng chỉ được trả lương “cho có” bởi bản thân các cơ sở dịch vụ, các công ty lữ hành cũng chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở phải vay ngân hàng để trả lương và các chi phí khác.

Mất nguồn nhân lực cũng là thực trạng chung của các địa phương lấy du lịch làm “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế ở miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hoà... Khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ ngưng hoạt động vì dịch bệnh thì một bộ phận lớn người lao động phải chuyển sang làm những ngành nghề khác.

“Không biết chờ đến khi nào du lịch mới phục hồi, mở cửa trở lại nên phần lớn lao động như chúng tôi buộc phải chuyển sang làm những ngành nghề mới như chạy taxi, xe ôm, bán hàng online, môi giới bất động sản... để kiếm sống. Tới đây, khi ngành du lịch hoạt động trở lại thì nhiều người, như bản thân tôi đã thích nghi với nghề mới nên chúng tôi phải cân nhắc là có nên quay lại với công việc trước đây?”, anh Nguyễn Duy Biên, hướng dẫn viên du lịch ở Thừa Thiên - Huế tâm sự.

Chuyện quả trứng và con gà

Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... là các địa phương đã và đang lên kế hoạch mở cửa lại thị trường du lịch nội địa cũng như đón khách quốc tế, bắt đầu từ những tháng cuối năm 2021 trong bối cảnh đầy khó khăn. Ngoài việc dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại, các địa phương này còn đối diện với việc thiếu hụt nghiêm trọng lao động từ phổ thông cho đến chất lượng cao.

Bà Châu Thị Hoàng Mai - Giám đốc điều hành Alba Spa Hotel Huế - cho biết: Gần đây khi Thừa Thiên - Huế cho phép mở cửa thì các dòng khách từ vùng xanh đã đến. Hiện chúng tôi có thể vận dụng nguồn nhân lực trong hệ thống, từ các khách sạn ở trung tâm thành phố hoặc resort ở huyện Phong Điền. Dù vậy, trong tương lai vẫn phải huy động người trở lại hoặc tuyển dụng mới để khôi phục nguồn nhân lực”, bà Mai nói.

Trên thực tế, trong năm 2021, ngành du lich các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà... đều có các lớp trình tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho hướng dẫn viên, nâng cao tay nghề cho người lao động cả trực tiếp lẫn online. Đồng thời cung cấp kiến thức, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng với hoàn cảnh mới, giúp cho các doanh nghiệp chuẩn bị cho việc phục hồi hoạt động tới đây.

Một số địa phương như Đà Nẵng còn tạo điều kiện để các lao động mất việc của ngành du lịch được tiếp cận một số nguồn vay không thế chấp, trang trải cuộc sống. Tuy vậy, kết quả mang lại cũng không khả quan.

Đến thời điểm này, câu chuyện về nguồn nhân lực của ngành du lịch và dịch vụ các tỉnh miền Trung bắt đầu loay hoay kiểu câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước.

Quả trứng có trước thì tâm trạng sẽ lo lắng kiểu ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng: “Những lao động bị mất của chúng ta khi chuyển qua công việc khác và nếu ổn định, tốt hơn thì khả năng quay lại với ngành du lịch là khó. Và điều này rất nguy hiểm”.

Nếu con gà có trước thì sẽ là: “Tuy nhiên, sự phục hồi không thể một sớm một chiều trong vòng 1 hay 2 năm. Theo kịch bản lạc quan nhất thì đến năm 2024, còn không phải tới năm 2025 thì Đà Nẵng mới quay lại thời điểm đỉnh cao như năm 2019”, cũng theo lời ông Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết: Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch tại Đà Nẵng. Số lượng sinh viên theo học chuyên ngành du lịch của trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trong 2 năm qua giảm liên tục so với trước. 

“Thực tế này, trong vài năm tới, lao động bổ sung cho ngành du lịch sẽ thiếu hụt nghiêm trọng”, ông Hảo nói.

Theo Lao Động

Tin khác