Du lịch sông nước, sinh thái ở Long An có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: An Long
Điểm đến nhiều tiềm năng
Nói về những điểm đến tiềm năng để khai thác du lịch ở Long An thì không thể quên Khu Du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, có diện tích hơn 135ha vùng lõi và 500ha vùng đệm. Đây là vùng đất ngập nước với sinh cảnh rừng tràm, sen, súng, lục bình, lúa ma điển hình của khu vực và là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã (chim, cò, cá,...).
Bạn Lê Thúy An (35 tuổi) đến từ TPHCM chia sẻ: “Rất vui vì khi đến với Khu Du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập mình có cảm giác rất thoải mái trước thiên nhiên, không khí trong lành. Bao nhiêu ồn ào của phố thị, áp lực công việc dường như được gác lại phía sau và chỉ còn mình với thiên nhiên hòa quyện…”.
Cũng như bạn Thúy An, nhiều du khách khi đến với Làng nổi Tân Lập đều rất thích được lênh đênh trên chiếc xuồng máy, đi vào rạch Rừng dọc cánh rừng tràm để tận hưởng các tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn. Trên con rạch này, du khách sẽ có dịp leo lên đài quan sát để phóng tầm mắt bao quát cảnh vật toàn khu sinh thái. Đặc biệt, du khách cũng không thể không ấn tượng khi được tung tăng trên con đường đan xuyên rừng tràm. Sau khi tham quan du khách sẽ được thưởng thức các món ăn cá lóc nướng...
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn đặc biệt của du lịch Long An chính là du lịch sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Khu bảo tồn đa dạng sinh học cây dược liệu Đồng Tháp Mười (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa).
Tổng Giám đốc Bùi Đắc Thắng - Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - cho biết: “Khu rừng có diện tích 1.029ha, trong đó có hơn 965ha rừng nguyên sinh. Đây là đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước vùng ĐTM với hệ sinh cảnh thay đổi theo từng mùa. Hệ sinh thái đặc trưng nơi đây vô cùng đa dạng với nhiều cây dược liệu quý: Cây tràm gió nguyên sinh (loài đặc hữu); một số cây bản địa như sen trắng, súng ma… Một số cây di thực trong nước: Dành dành, mù u, ô môi, vối… Một số cây di thực nước ngoài: Tràm trà, bạch đàn chanh, sả Java,...”.
Với lợi thế là khu bảo tồn dược liệu, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị trong việc chăm sóc sức khỏe và trở về với thiên nhiên. Tại đây, mỗi món ăn được phục vụ đều từ các loại rau dược liệu, rau cải tự trồng bằng bã của các loại dược liệu,... nhằm tăng cường sức khỏe và đề kháng cho du khách, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Từ lâu, khu bảo tồn được biết đến không chỉ vì cảnh sông nước hữu tình, những cánh rừng tràm bạt ngàn, là nơi từng xuất hiện những cảnh quay trong bộ phim “Cánh đồng bất tận” mà hơn hết, đây còn là nơi có hệ sinh thái đa dạng, rừng thuốc quý, bảo tồn gen tràm.
“Không làm nửa vời...”
Cuối tháng 10.2021, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Long An phối hợp TPHCM tổ chức hội nghị Liên kết phát triển du lịch giữa 2 địa phương nhằm tiến tới hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch tại Long An.
Tham gia khảo sát các địa điểm du lịch tại Long An, đại diện các Công ty du lịch cho rằng: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại các vùng giáp ranh TPHCM rất lớn, tuy nhiên người dân chưa được đào tạo, tập huấn để nâng cao vai trò của du lịch cộng đồng địa phương. Địa phương cần đầu tư chuyên nghiệp hơn các sản phẩm du lịch, xứng đáng với tiềm năng hiện có nhằm hướng tới không chỉ thu hút du khách trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, trước mắt Long An cần xác định trọng tâm, trọng điểm du lịch của tỉnh và có kế hoạch cụ thể thực hiện. Trong đó, bà đặc biệt quan tâm đến du lịch dược liệu vùng Đồng Tháp Mười - một đặc trưng của Long An mà không ở đâu có. Bà mong muốn và kêu gọi các công ty lữ hành tập trung kết nối, phát huy những thế mạnh của Long An, trong đó khai thác phải đi đôi với đầu tư, giữ gìn và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út chia sẻ, thời gian qua, Long An thực sự chưa có sản phẩm du lịch nào chỉn chu, hoàn chỉnh, dù đã nỗ lực liên kết phát triển một thời gian nhưng du lịch Long An hầu như chưa có những nổi bật. Nhận thấy điều này, địa phương đang dần khắc phục những hạn chế. Trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện các điểm kết nối giao thông giữa TPHCM qua Long An và các miền Tây Nam Bộ.
“Mặc dù sản phẩm du lịch có nhiều, nhưng chưa có điểm nhấn, địa phương sẽ chọn ra những điểm du lịch tiêu biểu để đầu tư bài bản và hoàn chỉnh hơn. Đặc biệt, xác định làm du lịch phải chuyên nghiệp, không nửa vời. Theo đó, Long An tiếp tục kết nối các địa phương, từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp và chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.
Thông tin từ Sở VHTTDL Long An, hiện bộ tiêu chí đánh giá an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn đã được UBND tỉnh thông qua. Bộ tiêu chí quy định cụ thể, rõ ràng về các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa điểm lưu trú, cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là một “điểm cộng” cho du lịch Long An trong giai đoạn mở cửa sau dịch.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa, giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các dịch vụ du lịch: Ưu tiên tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho nhân lực làm du lịch; giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ liên kết du lịch; hỗ trợ hướng dẫn an toàn khi đi vào hoạt động.
Nói đến Long An không chỉ có địa lý là cửa ngõ ĐBSCL, giáp với TPHCM mà nơi đây còn có hai dòng sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chảy qua đã đi vào thơ ca. Thật thú vị khi xuôi dòng Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sẽ cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên đó là hình ảnh những đám lục bình trôi nhè nhẹ, những rặng dừa nước tỏa bóng xuống lòng sông. Đặc biệt sẽ cảm nhận rõ về hơi thở của nông thôn khi nhìn thấy những chiếc xuồng ghe qua lại chở hàng nông sản, những xóm nhà dân nép mình dưới tán cây, xa xa trên các cánh đồng có những người nông dân khom lưng lao động, hai bên bờ sông những người dân dong thuyền đi bắt cá, bắt tôm…