Lãnh đạo Bộ Tài chính: Đấu giá đất ở Thủ Thiêm cho thấy những hạn chế…

Chủ Nhật, 05/06/2022 11:30
Theo thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm đã cho thấy những hạn chế về quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thuế,… cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản (BĐS).

Sáng 5/6, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và UBND TPHCM phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại TPHCM với hơn 1.000 đại biểu tham dự.

Trong khuôn khổ diễn đàn , buổi sáng diễn ra song song 3 phiên hội thảo chuyên đề, gồm: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề về Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách và giải pháp phát triển thị trường vốn thời gian qua đã được quan tâm để hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường vốn minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh đầu tư và huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực BĐS, thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, định hướng của Nhà nước là phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển BĐS.

Lãnh đạo Bộ Tài chính: Đấu giá đất ở Thủ Thiêm cho thấy những hạn chế…  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 sáng 5/6

Sự phát triển của thị trường BĐS có một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua việc thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhu cầu về lao động và thúc đẩy các ngành khác phát triển như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà kết nối với thị trường đất đai và các dịch vụ môi giới, pháp lý và định giá. Đóng góp của ngành xây dựng và BĐS trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11% (trong đó, đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021 cả nước có 282.105 giao dịch BĐS thành công, trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch, giảm 3,3% so với năm 2020 (tổng lượng giao dịch giảm mạnh trong quý III/2021).Sự phát triển của thị trường BĐS có một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua việc thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhu cầu về lao động và thúc đẩy các ngành khác phát triển như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà kết nối với thị trường đất đai và các dịch vụ môi giới, pháp lý và định giá. Đóng góp của ngành xây dựng và BĐS trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11% (trong đó, đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%).

Mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021, đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong quý I/2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: 20.325 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 45,5% so với Quý IV/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, dù có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, thị trường vốn, thị trường BĐS vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được phân tích, làm rõ để khắc phục trong thời gian tới.

“Trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TPHCM đã cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định về Quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thuế, tín dụng, thu tiền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh BĐS” – thứ trưởng Chi đánh giá.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ ra, thông qua tín dụng ngân hàng và thị trường vốn, thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS đã huy động được một lượng vốn lớn, hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các dự án.

Lãnh đạo Bộ Tài chính: Đấu giá đất ở Thủ Thiêm cho thấy những hạn chế…  - Ảnh 2.

4 lô đất ở Thủ Thiêm được đấu giá và trúng đấu giá với mức cao ngất nhưng sau đó 2 doanh nghiệp bỏ cọc, 2 doanh nghiệp còn lại đến nay chưa nộp tiền theo quy định dù đã trễ hạn

Việc huy động vốn của doanh nghiệp BĐS thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường BĐS nói riêng do việc phát hành với lãi suất cao, thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp BĐS. Hậu quả sử dụng vốn thấp và thị trường BĐS không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ trái phiếu đến hạn của doanh nghiệp khó khăn...

“Cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường BĐS lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn...) đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường” – thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Buổi chiều 5/6, Diễn đàn sẽ diễn ra phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)

Tin khác