Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mạnh mẽ đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực
Nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%. Khoảng 1,3 triệu lao động lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng. Điều này làm cho cuộc sống của người lao động, đặc biệt lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thêm.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia văn phòng ILO tại Việt Nam đặt vấn đề: Sau khủng hoảng y tế là những thách thức về kinh tế và thị trường lao động. Tác động của đại dịch đã đặt ra những câu hỏi quan trọng được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Làm thế nào để Việt Nam có thể kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển dài hạn, trong bối cảnh hiện nay? Làm thế nào Việt Nam có thể xác định cho mình con đường phát triển bền vững và bao trùm hướng tới mục tiêu quốc gia có thu nhập trung bình cao, và cuối cùng là quốc gia có thu nhập cao?
Những tín hiệu khởi sắc
Bà Ingrid cho rằng, diễn đàn kinh tế lần này là một bước quan trọng để Việt Nam xây dựng một tương lai việc làm phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu của mình, một trong số đó thể hiện cách thức của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau, trong đó tập trung chú ý đến kinh tế phi chính thức. Kinh tế phi chính thức đang đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng người lao động (bao gồm cả phụ nữ và nam giới) có việc làm phi chính thức đều không được hưởng sự bảo vệ đầy đủ từ pháp luật lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tỷ trọng kinh tế phi chính thức lớn có thể cản trở tiềm năng phát triển của một quốc gia.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau 2 năm đại dịch Covid-19, thị trường lao động những tháng đầu năm 2022 đã có những khởi sắc. Sổ người từ 15 tuổi trở lên quay lại thị trường lao động ngày càng tăng. Trong quý I/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,2 triệu người, tăng 0,4 triệu người so với quý trước.Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề: Cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I/2022 thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.
Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức; Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tuy nhiên những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động và còn rất nhiều vấn đề đặt ra.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung – cầu lao động… Đặc biệt, cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu…