Lặng ngắm rừng Cát Tiên

Thứ Sáu, 07/01/2022 08:27
Con sông Đồng Nai chảy từ miền cao nguyên bazan về miền phù sa cổ, quẩn quanh ôm ấp làm một vùng rừng già miền Đông - ngôi nhà của muôn loài cỏ cây, muông thú thêm xanh ngăn ngắt.

Vừa qua mùa mưa, rừng khô ráo, phà băng qua dòng nước sâu 6 m, rộng 170 m trôi từ miền thượng về còn vương bụi bazan đỏ ngầu rồi cập bến. Vườn Quốc gia Cát Tiên mở ra đẹp hút mắt. Ấn tượng đầu tiên lá trầu bà xanh mướt, lá to quấn lấy thân cây dầu từ gốc lên sát ngọn. Giữa muôn loài cây, cây dầu dường như nổi bật bởi thân tròn bạc phếch, đứng sát bên nhau thẳng đứng như cây thông, nhưng không cao vút như thông, vỏ không sần sùi như vỏ thông. Lá dầu to gấp đôi lá ổi, mùi ngai ngái, không thơm như lá thông. Dầu rụng lá quanh năm, lớp nọ chồng lên lớp kia, màu nâu sẫm trải thảm dày trên mặt đất.

Đi bộ thong dong trên con đường bê tông vắng lặng dài 10 km quanh co chạy dọc bên sông xuyên rừng, lá lao xao dưới chân, tươi đẹp và thanh bình. Gió từ mặt sông thổi vào, giữa mùa khô miền nhiệt đới, không khí mát mẻ trong lành. Hai bên đường muôn loài cây đứng bên nhau, đan cài vào nhau dày đặc: bời bời lá tròn, bằng lăng nước, bằng lăng ổi, vên vên, sao đen, gối hạc... Thi thoảng lại một nhóm du khách trên những chiếc xe đạp thong thả dừng lại, ngẩng đầu lên tìm bóng chim, ngắm một loài cây lạ. Dịch vụ cho thuê xe đạp, 30 ngàn/giờ, 100 ngàn/buổi, 150 ngàn/ngày đã thành “thương hiệu” của du lịch rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên “nối dài” đôi chân để có thể len lỏi trong những khu rừng già ngắm cây si trăm thân, cây đa lộc giao, thác Trời, rừng bằng lăng Đạ Cộ, ghềnh Bến Cự, bàu Sấu, cây gõ đỏ gần 700 tuổi, cây bằng lăng 6 ngọn với hình dáng kỳ lạ... Thu hết vào tầm mắt sự đa dạng sinh học của nơi sinh sống 1.655 loài thực vật, 96 loài thú, 343 loài chim, 94 loài bò sát, 37 loài lưỡng cư, 903 loài côn trùng, 130 loài cá, 410 loài nấm...

Khu nghiên cứu nấm Cát Tiên ẩn mình dưới rừng dầu với trại nấm hoàn thiện quy trình nuôi trồng trên 50 nấm ăn, nấm dược liệu được nghiên cứu để phục vụ chăm sóc sức khỏe con người. Trong đó, có một số loại có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm bào ngư vua, nấm bào ngư dai, nấm mèo bạch tạng, nấm shiitake, nấm đùi gà, nấm kim châm, và có cả những loài nấm quý hiếm như nấm hoàng bạch và nấm trứng gà. Vừa giới thiệu cho du khách tiềm năng, sự giàu có của rừng, sự đa dạng các loài nấm ở cánh rừng Cát Tiên với khí hậu nóng ẩm; đồng thời Trung tâm có thể chuyển giao cho người trồng nấm ở quy mô hộ gia đình hoặc trang trại lớn để nhân rộng phục vụ đời sống.

Bàu Sấu xa nhất, muốn đến đó phải đi hết con đường bê tông dài 10 km bằng xe tải với những băng ghế dài, rồi tiếp tục lội bộ đường mòn trong rừng 5 km sẽ đặt chân đến một vùng đầm nước hoang sơ là nơi ở của cá sấu. Cá sấu nhiều đến mức du khách có thể đưa tay là chạm vào chúng, nhưng trò này được cảnh báo nghiêm cấm không nghịch dại tránh nguy hiểm. Bàu Sấu có diện tích đất ngập nước lớn nhất Vườn Quốc gia Cát Tiên với mặt bàu rộng hơn 2,5 ngàn hécta vào mùa mưa; mùa khô mặt bàu chỉ còn 100-150 hécta với muôn loài cỏ cây ven mặt nước, cảnh sắc thiên nhiên xanh mát tuyệt đẹp. Đây không chỉ là “ngôi nhà” của cá sấu mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Chiều xuống ở rừng, chim gọi nhau về tổ, vượn hú gọi đàn, tiếng lích rích lặng dần, cảm giác sum vầy khiến lòng người không cô quạnh. Những loài thú ăn ngày đi ngủ, nhường chỗ cho khi đêm xuống cuộc sống của thú ăn đêm lại bắt đầu. Mùa này nai đi kiếm ăn nhiều vào ban đêm, chim cú, chim cuốc, bìm bịp, cầy hương, hươu, chồn... cũng đi săn mồi. Quan sát thú rừng vào ban đêm là một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn. Trong ánh đèn loang loáng bất chợt bắt gặp mắt thú ánh lên những tia sáng làm cho rừng thêm sâu thẳm, hoang dã. Dường như đã quen với những ánh sáng lạ của con người, biết không bị làm phiền, chúng dạn dĩ nhởn nha tìm mồi mà không sợ sệt phải lủi vội vào bụi rậm như những ngày đầu rừng có hơi người. Xen lẫn tiếng thú đêm gọi nhau, tiếng côn trùng rỉ rả hòa lên thanh âm muôn điệu một thế giới về đêm của muôn loài.

 Vườn Quốc gia Cát Tiên với bao chuyện kể bí ẩn của anh Long, anh Khánh, anh Khoa, những người yêu rừng gắn bó với rừng hiểu từng loài với những câu chuyện thú vị. Rừng không còn voi, mà đêm đến, người ta vẫn cảm giác tiếng voi rầm rầm. Ngay cả những mảng đá với muôn vàn lỗ nhỏ như tổ ong xếp chồng lên nhau ở ghềnh Bến Cự cũng là một câu chuyện về ngàn xưa, về dung nham núi lửa phun trào, gặp nước sục sôi những bọc khí li ti làm cho khi dung nham đông cứng lại mà tạo thành đá tổ ong có dọc các triền sông và ngổn ngang trong miền rừng thấp. Ghềnh Bến Cự tạo nên bởi muôn ngàn phiến đá lớn nhỏ làm lòng sông đứt gãy, làn nước duềnh lên vượt qua bờ đá rồi buông xuống lách qua những khe, những phiến, những tảng đá chảy về hạ nguồn.

Rừng Cát Tiên chim nhiều vô kể. Thức dậy ở miền rừng, 5 giờ sáng chim ríu rít rời tổ bắt đầu một ngày tìm sâu trong lá. Đi bộ dưới rừng dầu buổi tinh sương trong tĩnh lặng vừa nghe tiếng chim, nhưng vẫn nghe tiếng lá rơi rất rõ, nghe rõ cả bước chân mình, cảm giác bình yên. Mặt trời lên từ phía bờ sông, ánh nắng lấp lóa trùm lên rừng, màu xanh như được rát vàng ánh lên rực rỡ. Bên bến phà sông, tiếng du khách gọi thuyền, đến với rừng, rời khỏi rừng vọng vào... Rừng không còn âm u bởi bước chân du khách. Không chỉ có du khách, những ngày này, có cả những điều phối viên, những tình nguyện viên của dự án VFBC do USAID tài trợ đang dành tâm sức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã. Họ gặp nhau trong một hội thảo, bàn cách dựa vào cộng đồng để khơi dậy tình yêu với rừng, để không còn ai săn, bắt, bắn, bẫy thú rừng, để không còn ai ăn thịt thú rừng, để muôn loài được sống bình yên trong chính ngôi nhà rừng xanh của mình.

Ghềnh Bến Cự.

Rừng dầu.

Du khách có thể trải nghiệm nghỉ trên nhà sàn cao giữa rừng.

Con đò đưa đón du khách đến Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Tin khác