Tát đìa là một trong những cách thu hoạch cá đồng khá phổ biến của người dân miền Tây Nam bộ nói chung, Cà Mau nói riêng. Để bắt được cá dễ dàng, nông dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thường dùng máy tát cạn nước trong đìa rồi cùng người thân quậy bùn bắt những con cá đạt "chuẩn" bán cho thương lái.
Nông dân Cà Mau quậy bùn bắt cá đồng
Phần còn lại, chủ nhà sẽ làm quà biếu người thân, hàng xóm và chế biến thức ăn. Riêng những con cá nhỏ sẽ được thả lại để tiếp tục sinh sản.
Sau buổi tát đìa, chủ nhà sẽ chọn những con cá lóc, cá rô mề, bống tượng… ngon nhất rửa sạch rồi đốt rơm lên để nướng cá. Khi lửa tàn, dùng thanh tre nhỏ cạo bỏ phần vảy đen bên ngoài thân cá. Sau đó, thịt cá nướng ăn kèm với nước chấm chua, cay và các loại rau đồng.
Khi tát cạn nước, những con cá lóc to sẽ vượt ra khỏi nơi trú ngụ để tìm nơi có nguồn nước
Vị ngọt thịt cá đồng hòa quyện với vị chua cay của nước chấm và vị the, chát của rau the hay lá xoài non tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại.
Đối với các bà, các chị, trong bữa cơm mùa tát đìa không thể thiếu món cá chạch kho nghệ hay nấu canh chua cơm mẻ.
Các loại cá đồng sau khi thu hoạch sẽ được cho vào thau rửa sạch lại bằng nước
Cá chạch đồng có thịt mềm, béo hòa quyện với mùi thơm của nghệ hay kết hợp với vị chua cơm mẻ sẽ tạo nên vị ngon "ăn là ghiền".
Chủ đìa chọn những con cá lóc to, ngon nhất đem nướng đãi khách
Theo lời nhiều du khách chia sẻ: "Cá đồng chế biến món nào cũng ngon nhưng để giữ chọn độ ngọt của cá thì nướng rơm là lựa chọn số một".
Những con cá còn lại sẽ được cho vào lưới, chờ tiểu thương đến thu mua
Những tán rừng tràm U Minh là điều kiện lý tưởng để các loài cá đồng sinh trưởng, phát triển
Tuy đây chỉ là những món ăn dân dã nhưng đã trở thành lựa chọn của nhiều thực khách khi đặt chân đến với Cà Mau – vùng đất cực Nam của Tổ quốc.