Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây

Chủ Nhật, 02/10/2022 07:45
Những thớ thịt chắc ngọt, dai thơm của khô cá lóc đã trở thành món ăn khoái khẩu của người dân 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Khô cá lóc - Đặc sản thấm đẫm hương vị miền Tây sông nước

Khô cá lóc không còn quá xa lạ với nhiều người sành ăn. Từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ đến siêu thị to, bạn cũng có thể tìm mua được khô cá lóc. Nhưng để thưởng thức được loại đặc sản chính gốc này thì cần đến một chút tinh tế từ khâu lựa chọn.

Người ta luôn thắc mắc tại sao loại cá lóc phổ biến nơi nào cũng có ấy lại trở thành đặc sản của miền Tây - vùng Cà Mau sông nước? Bởi loài cá lóc này ăn uống kén chọn, “sang chảnh” lắm, chỉ ăn cá tươi và chê thức ăn công nghiệp. Cho nên, thịt của chúng chắc nịch và giòn dai khó tả.

Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây - Ảnh 1.

Kể cả bạn là người không thường xuyên ăn cá thì cũng sẽ cảm nhận được chất thịt của cá nuôi và “cá đồng” ở ngoài tự nhiên phải không? Thớ thịt của cá tự nhiên vừa chắc vừa ngon, ăn đã cái miệng lắm. Cái vị ấy thứ cá nuôi lồng bằng thức ăn công nghiệp thịt bở làm sao mà sánh được.

Không cần dùng những mỹ từ đẹp đẽ để nói về sự ngon của khô cá lóc. Để làm nên vị ngon ấy, các công đoạn xử lý cá phải thật khéo léo và có bí quyết phơi nắng đỉnh cao. Phơi nắng không phải nắng nào cũng được mà phải đúng lúc, đúng thời điểm.

Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây - Ảnh 2.

Khô cá lóc ngon là phải thơm mùi nắng, đượm màu vàng mới vang danh khắp chốn Nam Bắc. Những con cá được chọn làm khô là cá tươi sống, chưa bị ngã nước, cấm kỵ bị ươn, bởi nếu chọn cá không tươi thì thành phẩm thường bị nồng và tanh sau khi phơi.

Nắng gió miền Tây dường như là “gia vị” để nêm nếm cho món khô cá lóc thêm đậm đà. Sau khi được bắt lên bè, người ta xẻ thịt rồi ướp cá với những gia vị như muối, mì chính, hạt tiêu, ớt cho vừa vặn rồi phơi khô trên dàn liếp tre. Nhờ nắng, nhờ gió để làm khô cá.

Độ nắng khác nhau cho ra thành phẩm sử dụng theo nhu cầu. Chẳng hạn như khô cá lóc 1 nắng, vừa đủ se bề mặt, còn ẩm nhiều thì dùng ngào đường hay kho. Tuy nhiên, khô cá lóc một nắng không bảo quản được lâu, muốn để lâu phải hút túi chân không giữ lạnh.

Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây - Ảnh 3.

Khô cá lóc 2 nắng vừa đủ, không quá tươi ẩm mà độ giòn cũng vừa phải thì thời gian bảo quản lâu dài hơn. Còn với loại khô cá 3 nắng thì dai chắc, xé làm gỏi là hợp lắm. Thế nên tùy theo khẩu vị của mỗi người để chọn khô cá cho phù hợp.

Khô cá lóc chế biến món gì ngon? 

Điều này cũng phải tùy thuộc vào sở thích của thực khách. Khô cá lóc thường mang chiên, rán, nướng chấm tương hoặc làm gỏi như khô cá lóc gỏi xoài, gỏi sầu đâu.

Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây - Ảnh 4.

Ăn lai rai thì chiên chấm tương hoặc làm gỏi đều cực đưa miệng nha. Nướng than hồng cũng hấp dẫn đến lạ, hương thơm thoang thoảng từ khô cá lóc nướng, xé nhỏ từng miếng dậy mùi mà "tứa" nước miếng.

Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây - Ảnh 5.

Ngoài ra, khô cá lóc kho dưa, sốt me, ngào đường, sốt bơ tỏi hay nấu canh chua đều ngon hết sảy.

Khô cá lóc - “Vua đặc sản” đẫm hương vị sông nước miền Tây - Ảnh 6.

Chọn mua khô cá lóc thế nào cho chuẩn?

Khô cá lóc ngon chuẩn là loại khô cá lóc đồng ngoài tự nhiên, thịt cá chắc thơm và ngon ngọt hơn cá nuôi. Loại cá lóc nuôi to con, mỡ màng nhưng thịt không thơm chắc bằng.

Khô cá lóc được chọn lựa từ những con cá lóc sống tươi ngon 100%, mặc dù chúng có giá thành cao nhưng thịt thơm, không bị tanh nồng.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như thời gian bảo quản được lâu, bạn nên chọn mua loại khô cá nhiều nắng.

Khô cá lóc phơi nắng nhưng không quá khô cứng và cũng không ướp quá mặn. Bởi nếu chọn mua loại quá mặn thì bạn sẽ không cảm nhận hết được độ dai ngọt của thịt.

Ngoài ra, hãy nói "KHÔNG" với loại khô cá lóc được ướp phẩm màu và hóa chất bảo quản bạn nhé!

Theo Kỳ Vân Dương (Trí thức trẻ)

Tin khác