Lễ nhảy lửa - một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, là minh chứng cho sức mạnh của con người trong cuộc sống và những ước mong chế ngự được thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Đồng thời, nó có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Thông thường, lễ nhảy lửa chính thức được bắt đầu vào khoảng từ 19h. Mở đầu nghi lễ, thầy cúng thắp nến và bày các lễ vật lên mâm cúng. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn, rượu, giấy cúng, đèn hương…
Khi thầy mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép “nhập ma”.
Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia lễ hội nhảy lửa mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.
Cứ thế họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy.
Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc.
Phần nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng cho đến khi lửa tàn hẳn.
Lúc này các thanh niên mới dần tỉnh táo lại, điều kì lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản, ngày 1/6/2023 lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.