Đặc sản gỏi nhộng ong U Minh Hạ

Thứ Bảy, 30/07/2022 08:02
Rừng U Minh Hạ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) gắn liền với những câu chuyện tiếu lâm về bác Ba Phi hay những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn cùng vô số món ăn ngon.

Anh Nguyễn Thành Đạt (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết anh chọn U Minh làm điểm đến đầu tiên khi đặt chân đến Cà Mau. Tại đây, anh và các thành viên trong đoàn được người dân địa phương giới thiệu món gỏi bắp chuối nhộng ong.

Đặc sản gỏi nhộng ong U Minh Hạ - Ảnh 1.

Gỏi bắp chuối nhộng ong - món ăn gắn liền với dân phong ngạn nhưng đã chinh phục nhiều thực khách khó tính

"Vợ tôi nghe tên món ăn đã e sợ nhưng cha con tôi vẫn quyết định kêu 2 phần để thưởng thức cho biết hương vị món đặc sản U Minh. Thấy cha con tôi khen ngon, bà xã cũng bấm bụng ăn thử và cái kết là hỏi luôn cách làm từ chị đầu bếp" - anh Đạt cười nói.

Để có món ngon trứ danh này, đầu bếp sẽ cho tàn chứa nhộng ong vào nước luộc khoảng 5 phút để phần sáp tan chảy rồi đổ vào rổ lược lấy ong non. Sau đó, cho bắp chuối xắt mỏng vào hỗn hợp nước giấm, đường rồi nêm lại vừa ăn. Công đoạn kế tiếp, trộn nhộng ong non vào và để khoảng 15 phút là có thể thưởng thức.

Theo du khách Nguyễn Kiều Diễm (ngụ TP Cần Thơ), nhộng ong non có vị béo kết hợp thêm chút chua, ngọt và chát của bắp chuối đã tạo nên một món ăn khó cưỡng. Chồng chị thì thích ăn món gỏi bắp chuối nhộng ong với nước mắm mặn thêm ít ớt. Tuy nhiên, chị và các con lại thấy ăn với nước mắm chua cay sẽ ngon hơn. Sau khi học cách làm, chị mua 3 kg nhộng ong để khi về làm thức ăn đãi người thân và bạn bè.

Trước đây, thợ ăn ong (dân phong ngạn - PV) chủ yếu lấy mật và số ít mang tàn chứa nhộng ong về chế biến thức ăn để nhâm nhi cùng bạn nghề. Những năm gần đây, các món ăn được chế biến từ nhộng ong dần trở thành đặc sản, chinh phục nhiều thực khách khó tính nên các nhà hàng, quán ăn tìm đến tận nhà để thu mua. Nhờ đó, nhiều hộ dân mưu sinh dưới tán rừng tràm có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Theo Người lao động

Tin khác