|
Bánh chưng thường là món dư nhiều nhất sau mỗi dịp Tết. Để tránh hỏng bánh, bạn nên bảo quản lạnh, có thể để trong ngăn đá. Nếu đã ngán với những chiếc bánh chưng truyền thống trong dịp Tết, bạn có thể cắt bánh thành miếng nhỏ, chiên giòn và thưởng thức. Muốn bánh đậm đà hơn, sau khi chiên bạn có thể rim cùng mắm. Ảnh: ryangbae1997. |
|
Gà luộc là món ăn quen thuộc với các gia đình Việt vào dịp Tết. Thịt gà còn sau Tết là tình trạng nhiều nhà gặp phải. Thay vì bỏ đi, bạn nên bảo quản gà sạch sẽ trong tủ lạnh, bọc màng thực phẩm cẩn thận. Những miếng gà để lâu thường khô, khi chế biến lại bạn có thể chiên qua sau đó đảo với mắm pha tỏi, ớt, đường để món ăn hấp dẫn hơn. Ảnh: bepcuacony, _tr.a.ng_. |
Ngoài cách chiên mắm tỏi, bạn có thể tẩm bột chiên, chế biến những miếng gà giòn thơm bắt mắt. Gà tẩm ngũ vị hương, nướng trong lò cũng là gợi ý cho cách chế biến thịt gà còn sau Tết. Ảnh: jounlai. |
Công thức được nhiều bà nội trợ áp dụng xử lý thịt gà là làm món khô gà lá chanh. Bạn xé nhỏ thịt gà, tẩm ướp gia vị khoảng 30 phút, sau đó xào đến khi gà ráo nước, khô lại và có màu vàng ươm. Ảnh: khoheongon.heomi. |
Ngoài gà và bánh chưng, giò lụa cũng là món ăn còn nhiều sau kỳ nghỉ lễ dài. Để tránh giò bị hỏng, bạn nên cắt thành miếng nhỏ, chiên qua trong dầu ăn, sau đó rim mắm hoặc sốt cà chua. Ảnh: Nauzi. |
Với rau củ còn tồn đọng như đu đủ, cà rốt, bạn nên bảo quản nơi khô ráo. Ngoài ra, các bà nội trợ có thể chế biến rau củ thành món nộm giải ngấy cho cả nhà sau những ngày Tết nạp nhiều đồ ăn dầu mỡ. Ảnh: Vietnamesegod. |