Quần thể di tích kinh thành Huế với những điện đài, lăng tẩm… nguy nga, tráng lệ từng là thứ khiến tôi - người con trai vùng đất hoa lửa Quảng Trị - đem lòng yêu mến.
Và có lẽ cũng vì nhiêu đó đã đưa tôi trở thành cậu sinh viên nghèo trọ học ròng rã 4 năm trời nơi đây.
Chừng ấy thời gian cũng đủ để tôi thưởng lãm cơ bản được những di tích nổi bật còn sót lại, cũng như nếm thử qua những món ăn đặc sản của nền ẩm thực Huế.
Sự ảnh hưởng bởi văn hóa cung đình và kiểu cách của con người xứ Huế làm cho các món ăn nơi đây có phần cầu kỳ hơn.
Bản sắc ẩm thực Huế đã lan tỏa khắp cả nước với những món ăn đậm đà chất Huế như bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh in, cơm hến... cũng như chè trên dưới 20 loại…
Tuy nhiên, với khẩu vị của một cựu sinh viên Huế đang sống và làm việc tại TP.HCM như tôi thì món ốc cầu vượt (nằm trên đường Bùi Xuân Phái, TP Huế) luôn là một lựa chọn hàng đầu trong danh sách các món ăn vặt từ thời còn "cắm đô" nơi đây cho đến khi có dịp được ghé lại.
Chẳng biết quán ốc này có từ bao giờ nhưng trước khi là sinh viên xứ Huế thì tôi đã được nghe rỉ tai về nó. Cho đến nay, trong mỗi dịp ghé lại quán này, tôi cũng thường bắt gặp khá nhiều anh chị là những cựu sinh viên Huế đã ra trường hơn chục năm trước cũng ghé lại nơi đây.
Chỉ với giá là 8.000 đồng/đĩa từ những năm 2012 và giờ là 15.000 đồng/đĩa, ốc cầu vượt vẫn đang là món "hot" của sinh viên bao lứa nơi đây.
Là món ăn nhớ đời của sinh viên bởi quán nằm cạnh khu trọ của rất đông sinh viên các trường đại học tại Huế như ĐH Kinh tế, ĐH Luật, ĐH Ngoại ngữ, Khoa giáo dục thể chất…
Ốc ở đây thường là ốc bươu (cho loại ốc to) và ốc đá chặt đuôi (cho loại ốc nhỏ). Ốc sau khi gom về sẽ được ngâm bằng nước vo gạo, ớt trái thái lát trong vòng 4 tiếng trở lên.
Sau đó ốc được rửa sạch nhiều lần bằng nước để trôi hết chất và mùi bùn, rồi được tẩm ướp cùng sả, ớt, tỏi, thơm, mỡ heo… cùng những loại gia vị cần thiết trong một lượng độ nhất định đầy bí mật "gia truyền", được nấu dưới ngọn lửa đỏ rực liên tục của củi.
Ốc dù chín nhưng luôn được "hầm" trên lửa vừa phải để giữ ấm, thấm các gia vị có trong nồi nhưng vẫn không làm mất đi những gì vốn có của con ốc.
Làm nên cái đặc biệt bấy lâu cho ốc cầu vượt ngoài vị mặn thấm tháp từ muối, ngọt thanh từ đường, cay nồng của ớt và thơm thanh của sả… thì với bao người, nước chấm nơi đây vẫn là thứ làm nên điều tiên quyết hơn cả.
Với gừng, ớt, sả, tỏi - những loại gia vị mạnh được xoay nhuyễn rồi trộn đều vào nhau khiến nước chấm đặc "sền sệt" lại.
Chính điều đó nên dù được làm từ nước mắm nhưng chén nước chấm khiến người ăn nhớ về nó nhiều nhất, và đó cũng lại là một "bí quyết gia truyền" nữa.
Ngồi viết về ốc cầu vượt trong cơn "thèm thuồng" như bà bầu lên cơn thèm ăn, tôi nhớ rõ hình ảnh "khều con ốc dai dai béo ngậy ra khỏi cái vỏ rồi nhấn chìm nó xuống chén nước chấm, kéo nó lên khi những gia vị có trong chén mắc đầy trên nó".
Cay, nồng, thơm các loại gia vị, ấm nóng do lửa, béo ngậy do mỡ heo… là những gì mà ắt hẳn ai đã ăn ốc cầu vượt đều sẽ hình dung được khi nghĩ về món này.
Mỗi đĩa ốc sẽ được bán kèm rau xanh hoặc dưa chuột nhằm giảm bớt vị cay nồng và dung hòa giữa chất đạm từ ốc và chất xơ… Thời đó, dù ốc được bán với giá rất "sinh viên" nhưng vì là sinh viên nghèo trọ học nên để ăn được đĩa ốc cũng cần phải cân đong đủ thứ.
Chắc có lẽ vì là một người con Quảng Trị nhiều năm sống xa quê nên các món ăn có vị cay luôn được tôi ưu tiên lựa chọn.
Nó như để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ món ăn mẹ nấu đầy ớt trái hay tiêu xanh dù chỉ qua một đĩa ốc nhỏ...