Tất cả là vì châu Âu đang là khu vực duy nhất trên thế giới có số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng đều đặn, với tỉ lệ tăng lần lượt là 7% và 10% trong tuần qua, theo thống kê ngày 13-11 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Các chuyên gia đồng ý rằng tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 không đều, khả năng miễn dịch suy giảm ở những người được tiêm chủng sớm, xem nhẹ tác dụng của khẩu trang và không thực hiện giãn cách xã hội sau khi các chính phủ nới lỏng hạn chế Covid-19 vào mùa hè này là những nguyên nhân khả dĩ khiến châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch.
Số liệu từ trang web OurWorldInData cho thấy tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 tại Nam Âu đạt mức cao nhất ở châu Âu. Trong đó, Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha đều đã tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ cho hơn 80% dân số và Ý là 73%.
Quy định “2G”, tức chỉ cho phép người đã tiêm chủng hoặc khỏi bệnh Covid-19, vào nhà hàng và các khu vực trong nhà khác ở thủ đô Berlin - Đức. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Hà Lan (73% dân số tiêm phòng đầy đủ), Pháp (gần 69% dân số) và Đức (66,5%), nơi tỉ lệ bao phủ vắc-xin tương đối cao, cũng bắt đầu ghi nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19.
Tình hình nghiêm trọng buộc Hà Lan áp đặt lệnh phong tỏa một phần trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 13-11. Tại thủ đô Berlin của Đức, từ ngày 15-11, chỉ những người đã được tiêm chủng hoặc đã khỏi Covid-19 mới được phép vào nhà hàng, rạp chiếu phim và tiệm làm tóc.
Với tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất (62,8%) và tỉ lệ lây nhiễm cao nhất (hơn 1.000 ca mắc hằng ngày/1 triệu người) ở Tây Âu, Áo áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 tại 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Upper Austria và Salzburg vào tuần này và có thể thực hiện tương tự trên toàn quốc.
Trong khi đó, 9 nước Trung và Đông Âu hiện nằm trong nhóm 10 nước có tỉ lệ tử vong hằng ngày vì Covid-19 cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, tỉ lệ này ở Romania, Bulgaria cao gấp hơn 30 lần so với Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, theo báo The Guardian.