Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Du lịch Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế" được báo điện tử Dân Việt tổ chức ngày 12-11, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay ngày 11-11 đã có 2 chuyến bay từ sân bay InCheon, 222 khách và 1 chuyến từ Tokyo chở 207 khách tới Việt Nam.
Khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam
"Theo kế hoạch, ngày 17-11 tới đây, Vietnam Airlines có 1 chuyến, VietJet Air cũng có 1 chuyến ngày 20-11 tới Phú Quốc. Sau đó, sẽ có khoảng 24 chuyến tới Kiên Giang, Khánh Hòa"- ông Cường cho biết.
Ông Bùi Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết Phú Quốc sẽ đón đoàn khách Hàn Quốc đầu tiên vào ngày 20-11. Chuyến bay đầu tiên do VietJet Air tổ chức sau 2 năm dừng đón khách quốc tế sẽ đáp xuống Phú Quốc vào 12 giờ trưa ngày 20-11 với 250 khách.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc công ty cổ phần Du lịch Nhật Minh, đơn vị có nhiều kinh nghiệm đưa khách quốc tế đến Khánh Hòa, hào hứng chờ ngày "mở cửa" để đón khách từ thị trường Nga. Ở thị trường này, khách đi du lịch trở về không bị cách ly. Thêm vào đó, thời điểm này là mùa người Nga đi nghỉ trốn đông, đây là thuận lợi rất lớn
Nóng lòng đón khách trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại mở cửa nếu không có khách thì tình hình sẽ trở nên rất khó khăn. Trên thực tế, nếu chỉ nhắm vào các chuyến bay charter, đón khách kiểu combo trọn gói thì số lượng chuyến bay không nhiều. Trong khi đó, đặc thù khách quốc tế thường có kế hoạch trước từ 3-6 tháng, họ tìm hiểu kỹ về điểm đến nên cần có kế hoạch truyền thông quảng bá ở những thị trường tiềm năng.
Thừa nhận khâu truyền thông quảng bá là công việc quan trọng không kém so với các công tác chuẩn bị khác, thậm chí công tác này cần phải đi trước một bước, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay thời gian qua cơ quan này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng nội dung truyền thông hướng tới các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam.
"Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo để tạo một dự án mang tên "Living fully in Vietnam" - "Sống trọn vẹn tại", hiện đã triển khai trên Vietnam.travel (trang giới thiệu du lịch Việt Nam), trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Pinterest và đón nhận những phản hồi tích cực của khách quốc tế"- ông Khánh nói.
Tại tọa đàm, ông Võ Huy Cường đặt vấn đề, ngoài một số thị trường chính, Việt Nam cũng nên mở rộng đón khách du lịch từ các nước khác vì nếu chúng ta hạn chế các thị trường du lịch, vô hình chung chúng ta hạn chế tính hiệu quả của đề án du lịch.
"Thị trường du lịch trọng điểm chưa chắc đã có khách. Ví dụ Trung Quốc, nếu không có dịch thì không có thị trường nào cạnh tranh được với Trung Quốc, nhưng hiện tại Trung Quốc đã có chính sách hạn chế cư dân ra nước ngoài. Nếu chỉ bám sát vào thị trường trọng điểm, chúng ta sẽ hạn chế lượng khách. Ngược lại, thực tế nhiều đoàn khách đi du lịch hàng tháng và trải qua nhiều nước. Nếu chúng ta cứ bám sát vào thị trường trọng điểm, lượng khách này rõ ràng sẽ không thể tới Việt Nam" - ông Cường phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay khi đề xuất và tham mưu, Tổng cục Du lịch đã hướng tới các thị trường mục tiêu và có mức độ an toàn cao về phòng chống dịch như Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông, Úc… Tuy nhiên khi khách đảm bảo về y tế và xuất nhập cảnh, chúng ta cũng không có lý do gì phải hạn chế ở các thị trường khác. "Ví dụ Isarel, họ đã tiêm tới mũi thứ 3, trong khi nhu cầu tới Việt Nam của họ cũng rất cao. Chúng ta không có lý do gì hạn chế họ cả"- ông Khánh nêu quan điểm.