Trong chuyến đi tới Việt Nam cách đây không lâu, Chris Dwyer, cây bút tờ SCMP của Hong Kong (Trung Quốc) có dịp nếm thử nhiều món ngon trên dải đất hình chữ S.
Anh cho rằng, nếu như bún chả hay bún bò Huế đã là những cái tên quá nổi tiếng trong ẩm thực Việt, thì du khách có thể trải nghiệm các món khác không kém phần hấp dẫn.
Những cái tên được nhắc tới gồm bún cá Hà Nội, cao lầu Hội An và bún quậy Phú Quốc. Đây đều được coi là đặc sản của từng vùng miền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Món bún cá Hà Nội mà Chris có dịp thưởng thức tại thủ đô (Ảnh: SCMP).
Trên hành trình trải nghiệm "bản đồ ẩm thực", Chris bắt đầu với món bún cá Hà Nội. Anh có dịp thưởng thức tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Trung Trực thuộc quận Ba Đình.
"Đừng nhầm bún cá với bún chả nhé. Giống như nhiều loại bún có nước ở Việt Nam, nước dùng của món bún này được ninh từ xương ống heo trong thời gian dài để tiết nước ngọt. Sau đó, bát bún có thêm nhiều thành phần như cà chua, giấm, cá chiên giòn, rau tươi, chút thìa là thái nhỏ tạo nên tổng hòa hương vị", Chris mô tả.
Dù bún cá có mặt ở khắp nơi trên phố phường Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành tại Việt Nam với các "phiên bản" khác nhau đôi chút, nhưng đầu bếp người Mỹ gốc Việt Peter Cuong Franklin nhận định, anh yêu thích món bún cá Nha Trang hơn cả.
Các mẹt bán đồ gia vị trong một góc chợ truyền thống ở Hà Nội (Ảnh: Chris Dwyer).
Theo vị đầu bếp này, bún cá ở Nha Trang là "phiên bản" hấp dẫn nhất của món ăn này, nơi hội tụ tất cả những gì phong phú nhất của biển cả, từ cá ngừ tươi với thớ thịt căng mọng, cho tới sứa tươi, chả chiên, chả hấp (đều làm từ cá). Tất cả hội tụ trong bát bún có nước dùng trong veo, thanh ngọt tự nhiên.
Rời Hà Nội ghé thăm mảnh đất miền trung, Chris cho rằng cao lầu là món ăn nhất định phải thử khi đến Hội An. Anh nhận định đây là món ăn "đánh dấu tất cả mọi hương vị khi nhắc tới ẩm thực Việt, là sự tổng hòa của các vị ngọt, chua, cay, mặn và chút đắng".
Cao lầu vốn được xem là món ăn mà hầu hết thực khách đều muốn nếm thử khi tới phố Hội. Bát cao lầu có sợi mì vàng ươm, xen lẫn với thịt xá xíu, chút da heo chiên giòn, rau thơm, tôm, thịt heo cùng chút nước dùng chỉ chan xâm xấp vừa vặn.
Món cao lầu ở Hội An được nhiều vị khách yêu thích (Ảnh: Anan Saigon).
Theo lời kể của những người dân sống lâu năm ở Hội An, cao lầu xuất hiện ở đây vào khoảng thế kỷ 17. Đó là thời kỳ thương cảng Hội An mới khai thông, thu hút thương nhân buôn bán từ các nước phương Tây và phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Hoa, tới giao thương hàng hóa.
Và món ăn chưa thể tròn vị nếu thiếu đi chiếc bánh tráng nướng giòn tan ăn kèm. Để đủ vị, thực khách sẽ trộn cao lầu cùng thìa tương ớt Hội An thơm lừng rồi thưởng thức.
"Cao lầu là món ăn đặc biệt, bởi nó ảnh hưởng từ các nền ẩm thực, đồng thời phản ánh lịch sử phong phú của Hội An từng là một thương cảng nhộn nhịp", vị đầu bếp gốc Việt Peter Cuong Franklin giải thích.
Và món ăn cuối cùng được điểm danh trong bài viết là bún quậy Phú Quốc. Món ăn vốn có nguồn gốc từ Bình Định, biến tấu từ món bún tôm, do những ngư dân mang vào Phú Quốc.
Đến Phú Quốc nhất định phải thưởng thức bún quậy (Ảnh: Chris Dwyer).
Nguồn gốc tên gọi đặc biệt của món ăn, được người dân địa phương giải thích xuất phát từ thứ bún này phải ăn kèm nước chấm tự pha, gồm bột canh, đường, quất (tắc), ớt xanh và chút mì chính. Tất cả cho vào bát và quậy thật mạnh cho sánh lại để gia vị chuyển sang màu đỏ cam và tan hết.
Một bát bún quậy thường có nguyên liệu chính gồm cá, tôm, mực tươi, chả tôm, chả cá, ăn kèm bún với nước lèo. Đây là món ăn ai cũng nhắc tới và muốn thử mỗi khi tới đảo Ngọc.
Chris cho biết, một trong những quán bún quậy nổi tiếng nhất Phú Quốc là Kiến Xây. Trong khi bếp trưởng Bruno Anon ở khách sạn gần đó là "người hâm mộ cuồng nhiệt" của món bún này.
"Sợi bún trắng, mềm, dai, hòa quyện cùng tôm và chả cá, kèm theo nước lèo trong, nóng hổi, thấm vị ngọt. Nhưng nước chấm mới là thứ nổi trội và đánh bật mọi vị giác", vị bếp trưởng người Tây Ban Nha nhận xét.