Nhung Dao không nhớ lần đầu tiên cô thưởng thức món bún đậu mắm tôm là khi nào.
Chỉ biết rằng, khi cô lớn lên ở Việt Nam thì món ăn này đã xuất hiện. Xét ở nhiều góc độ thì đây là bữa trưa lý tưởng, gồm nhiều loại protein, calo, rau gia vị tươi sống. Những nguyên liệu này được hòa quyện khi chấm cùng mắm tôm - "chất xúc tác" giúp món ăn thêm đậm đà.
"Chúng tôi chuẩn bị ít đậu phụ rán, bún và khách chỉ việc mang về nhà rồi thưởng thức", Nhung Dao chia sẻ với phóng viên Grub Street - Tạp chí chuyên về ẩm thực và nhà hàng ở thành phố New York, Mỹ.
Bún đậu mắm tôm vốn là món ăn bình dân, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên đường phố Hà Nội, nhưng lại là "món hiếm" tại thành phố New York. Cho tới khi Nhung cùng chồng cô, anh Jerald Head khai trương quán Mắm, một nhà hàng nằm ở rìa phía bắc của khu Chinatown. Quán ăn chỉ mở vào dịp cuối tuần.
Chị Nhung và chồng chụp ảnh trước nhà hàng Mắm (Ảnh: Jutharat Pinyodoonyachet)
Thời gian quán phục vụ khách từ tối thứ 6, bữa trưa thứ 7 và chủ nhật. Theo mô tả của phóng viên tờ tạp chí của Mỹ, tên của quán xuất phát từ mắm tôm, "loại nước chấm làm từ tôm lên men", thưởng thức cùng bún đậu.
"Mắm tôm có mùi mạnh giống như cách gọi pho mát của Pháp "bốc mùi". Cách nói này chính xác về mặt kỹ thuật nhưng lại không đầy đủ. Chuyên gia ẩm thực Việt Nam Helen Le từng nhận xét trên kênh Youtube của cô, rằng bún đậu mắm tôm thuộc thể loại thực phẩm "mùi thì ghê mà ăn lại phê". (Nguyên văn: smell like hell, taste like heaven).
Bộ bàn ghế nhựa màu xanh cũng được nhập từ Việt Nam sang (Ảnh: Jutharat Pinyodoonyachet)
Vợ chồng anh Jerald Head và chị Nhung nhập mắm tôm từ Việt Nam. Khi phục vụ khách, họ cho thêm chút đường, nước cốt chanh và ớt. Sau đó, các nguyên liệu của món ăn được bày biện trên chiếc mẹt tròn.
Đó là những miếng đậu phụ được rán giòn vàng ruộm. Được biết, đậu phụ được làm từ chiếc máy nặng 60kg mang từ Việt Nam sang. Tiếp đến là bún lá, dồi lợn (làm theo công thức mà anh Head học từ bố vợ), lòng lợn luộc chín, lòng nướng và thêm chả cốm. Ngoài ra, món ăn được điểm xuyết thêm rau gia vị tươi sống như diếp cá và lá tía tô mà hai vợ chồng "mua từ một người phụ nữ bán rau trên xe tải ở phố Grand".
Năm 2019, khi Head còn làm bếp trưởng ở nhà hàng Di An Di tại khu Greenpoint, New York, anh bắt đầu thử chế biến món bún đậu. Đây cũng là nơi anh lần đầu tiên giới thiệu món ăn này trong thực đơn bữa xế của nhà hàng. Sau này, khi cùng vợ mở quán Mắm, Head nhận thấy đây là "phiên bản hoàn hảo hơn".
Suất bún đậu mắm tôm đặc biệt ở quán Mắm (Ảnh: Vietcetera)
Tin tức về một nhà hàng bắt đầu lan rộng trong giới yêu thích ẩm thực Việt tại thành phố New York. Thanh Nhat Hua, một sinh viên Đại học Columbia, chia sẻ, khi biết có nhà hàng bán bún đậu mắm tôm, anh rất thích thú. "Kể từ khi nhà hàng mở cửa vào tháng 5, tôi ghé quán và gọi món này 7 lần. Món ăn vượt quá sự mong đợi của tôi", anh nói.
Hiện nay, hai vợ chồng Head và Nhung đang điều chỉnh thực đơn của quán Mắm, thêm các món đặc sản Việt Nam khác cho phong phú như ốc nhồi thịt, cá nướng nguyên con, hay món ăn lạ như "thịt bò khô muối kiến vàng".
Tùy theo lựa chọn của khách sẽ có mức giá khác nhau, nhưng suất ăn đặc biệt giá khoảng 35 USD (hơn 810 nghìn đồng). Phóng viên của tờ Grub Street nhận định, đây là mức giá "tương xứng với chất lượng và số lượng, đủ để vài người bạn cùng thưởng thức".
Không chỉ có bún đậu mắm tôm ở quán Mắm, hiện New York cũng xuất hiện nhiều nhà hàng Việt Nam khác để thực khách lựa chọn, như quán "Madame Vo" chuyên về phở, nhà hàng "Nón lá" có bún bò Huế, tiệm "Sao Mai" chuyên về nem rán và bánh mì...