Thanh Hóa: Khát vọng thịnh vượng

Thứ Năm, 22/10/2020 10:28
5 năm trở lại đây (2015-2020), kinh tế tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng nhanh, đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Qui mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 229.000 tỷ đồng đứng thứ 8 cả nước. Đây là tiền đề rất quan trọng để bước vào giai đoạn 2020-2025 với vị thế là cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển kinh tế khu vực phía Bắc.

FLC Sầm Sơn

Suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa luôn là vùng đất đóng góp sức người, sức của cùng với dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn để bảo vệ và xây dựng đất nước. Là địa phương, đất rộng, người đông, cái khó, cái nghèo cứ đeo bám đã làm cho những người lãnh đạo và đồng bào các dân tộc ở xứ Thanh phải tìm mọi cách vượt qua. Những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã cùng với đồng bào cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt sau 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước, Thanh Hóa đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài; GRDP giai đoạn 2011-2020 ước đạt 10,3%; trong đó giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được thế mạnh, tiềm năng của Thanh Hóa. Qui mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 229.000 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc và duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2011- 2020 ước đạt 146.922 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 17,5%; năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,5 triệu đồng, gấp 4,3 lần so với năm 2010.

Công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2020 ước đạt 17,2%; đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp qui mô lớn có tác động thúc đẩy kinh tế-xã hội của Thanh Hóa. Trong đó lớn nhất là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dịch vụ phát triển nhanh cả về qui mô, chất lượng và loại hình, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Thanh Hóa. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; đến năm 2020 có 8 đơn vị cấp huyện, 68,09% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong các tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa và tăng tính kết nối giữa các tỉnh trong khu vực. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông mới đã và đang được đầu tư như Cảng hàng không Thọ Xuân, hệ thống Cảng biển nước sâu Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, đường giao thông nối Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân đến Khu kinh tế Nghi Sơn, hệ thống các tuyến đường vành đai, đường ven biển, các tuyến đường kết nối nội, ngoại tỉnh đã thực sự mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội rõ nét cho Thanh Hóa.

Cảng quốc tế Nghi Sơn

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thanh Hóa đã có chuyển biến rõ nét; giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được cũng cố. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao…

Từ chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đến nay Thanh Hóa đã tự chủ được trên dưới 90% ngân sách và phấn đấu chủ động ngân sách vào năm 2011. Từ một tỉnh thuần nông, những năm gần đây cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Các công trình dự án lớn có sức lan tỏa như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, dầu ăn Nghi Sơn, các dự án xi măng, giày da liên tục được khởi công xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng của Thanh Hóa. Các dự án hạ tầng du lịch của các nhà đầu tư lớn hàng đầu Việt Nam như VinGroup, FLC, Sun Group lần lượt có mặt tại Thanh Hóa. Các trang trại bò sữa quy mô lớn của Tập đoàn Vinamilk, TH Truemilk, nhà máy giết mổ gia cầm hiện đại nhất Việt Nam Viet Avis, cùng các dự án nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư, tạo đà cho Thanh Hóa phát triển mạnh nông nghiệp qui mô ngày càng lớn… Kết quả của việc nỗ lực cải cách hành chính, bền bỉ xúc tiến và thu hút đầu tư đã giúp cho Thanh Hóa vượt lên đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư vốn FDI và huy động được tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc, ở khu vực Bắc Trung Bộ và của Việt Nam trong tương lai gần.

Với tư duy và tầm nhìn mới, Thanh Hóa đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP đạt 50 tỷ USD gấp 8,4 lần hiện tại; GRDP bình quân đầu người đạt 11.000 USD, gấp 6,4 lần hiện nay trở thành đầu tầu tăng trưởng mới của đất nước.  Khát vọng thịnh vượng của người dân và lãnh đạo Thanh Hóa luôn cháy bỏng bởi vùng đất này trải qua những khó khăn gian khổ đã từng bước vượt qua để vươn lên.

Hiện, Thanh Hóa đang tập trung cao độ chuẩn bị cho ngày khai mạc (27/10) Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025). Đây sẽ là đại hội đầu tiên thực hiện Nghị quyết 58/NQ-TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “về phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Chương trình, mục tiêu và các giải pháp cho một nhiệm kỳ được tựu trung trong 5 trụ cột chiến lược đã xác định: Công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam; y tế chất lượng cao hàng đầu khu vực; nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch nổi trội của cả nước; thu hút đầu tư đô thị hóa và cơ sở hạ tầng, trong đó trọng tâm là khu du lịch kinh tế Nghi Sơn.

Là nhiệm kỳ thứ 2, ngành “công nghiệp không khói” được Thanh Hóa xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội với nội dung bao trùm là khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ thuộc nhóm các tỉnh có ngành du lịch phát triển của cả nước. Trong đó rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch, làm cơ sở để đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch; chú trọng thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, nâng cao sức hấp dẫn du khách. Phấn đấu đến năm 2025 đón 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 850.000 lượt…

Với tiềm năng, thế mạnh và đức tính cần cù, chịu khó vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất định khát vọng thịnh vượng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Thanh Hóa sẽ thành hiện thực.

Theo baodulich

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau