Theo quan niệm dân gian, hổ là giống loài dũng mãnh trong muông thú, là "chúa sơn lâm", là "hùm thiêng" ngự trị tối cao trong rừng già.

Ở các nước phương Đông, hổ còn là một linh vật trong 12 con giáp, tượng trưng cho sức mạnh, nó còn là một trong tứ thánh thú cai quản Tây phương.

Chính vì thế, mà hổ được nhiều nơi tôn sùng, thần thánh hóa, trong đó không thể không kể đến vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Khi đến miền Tây Nam Bộ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh “ông 30” ngự trị một góc riêng trong các đình, miếu, lăng mộ để được thờ cúng hương quả.

Lý giải cho việc thờ cúng “ông 30” là do thời gian đầu khai hoang vùng đất Tây Nam Bộ, trước đây là vùng đất hoang sơ, rừng rậm um tùm, là nơi trú ngụ của nhiều thú dữ như cọp, beo.

Việc khai hoang gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nên người dân hình thành nên việc tôn sùng, cúng bái “thần hổ” thường xuyên để loài hổ không làm hại gia súc, gia cầm và tính mạng con người.

Đình thần Tân An tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Phong Ly
Đình thần Tân An tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Phong Ly

Sau này, công cuộc khai hoang thành công, người dân nhiều vùng vẫn giữ nguyên tín ngưỡng thờ hổ như trước đây, chẳng hạn miếu thờ hai ông Cọp ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ; Đình thần Tân An tại Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; chùa Vàm Sát tại Sóc Trăng…

Ngoài ra, hình ảnh “ông 30” vẫn được người dân đưa vào cuộc sống tín ngưỡng “tâm linh” hàng ngày, đó là hình ảnh Ông Địa trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa hiện diện trong mỗi ngôi nhà người dân.

Ông Địa miệng cười sảng khoái, đầu đội khăn rằn, tay cầm quạt mo, mặc áo phanh ngực là hình ảnh của người nông dân Nam Bộ quen thuộc. Hình ảnh Ông Địa thường đi kèm với con hổ nằm uốn mình cho Ông dựa lưng vào.

Ý nghĩa của hình tượng này như muốn nói rằng người nông dân đã chiến thắng sự “hoang dã”, xây dựng nên một cuộc sống trù phú mới nơi đồng bằng màu mỡ.

Tượng hổ được thờ tại Đền thần Tân An. Ảnh: Phong Ly
Tượng hổ được thờ tại Đền thần Tân An. Ảnh: Phong Ly

Bên cạnh đó, hình ảnh “ông 30” còn xuất hiện trong phong tục cúng kiếng tiệc thôi nôi cho con nhỏ của các bậc cha, mẹ, ông, bà. Trong bộ lễ vật cúng cầu an của thôi nôi một đứa trẻ tại miền Tây Nam Bộ, cha, mẹ, ông, bà có con nhỏ sẽ cúng và đốt cho “mẹ đỡ đầu” đứa bé những lễ vật, giấy tiền mà gia đình đã trình vái.

Nhưng các bậc phụ huynh sẽ xin “mẹ đỡ đầu” lại một góc hình ảnh có chứa con hổ. Sau đó, tấm ảnh đó được mang dán ngay trên cửa phòng mà đứa trẻ hay ngủ hoặc dán trước cửa nhà.

Người dân tin rằng hình ảnh con hổ có sức mạnh xua đuổi điềm xấu khỏi đứa bé, đứa bé lớn lên cũng sẽ dẻo dai, mạnh khỏe như hình tượng loài “hùm thiêng”.

Hình ảnh chú hổ được dán trên cửa phòng ngủ sau lễ thôi nôi. Ảnh: Phong Ly
Hình ảnh chú hổ được dán trên cửa phòng ngủ sau lễ thôi nôi. Ảnh: Phong Ly

Nhìn chung, hình ảnh loài hổ đã gắn liền với nét văn hóa miền Tây Nam Bộ trong nhiều thập kỷ qua. Loài hổ đã mang một ý nghĩa trong đời sống tín ngưỡng tâm linh quan trọng hiện tại và sau này.