Tròn mắt xem người Tày - Nùng xứ Lạng chơi Lảy cỏ trong ngày hội

Thứ Ba, 02/07/2019 14:48
Đặc biệt là trò chơi dân gian Lảy cỏ vẫn được lưu giữ và được đông đảo bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu thích và nhiệt tình hưởng ứng.

Đồng bào dân tộc thiểu số Tày - Nùng sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó tập trung khá đông ở Lạng Sơn. Nhờ sinh sống tập trung nên người dân Tày - Nùng vẫn còn giữ được khá nhiều tập quán, nét văn hóa đặc trưng như hát Then, đàn Tính, hát Sli… cùng nhiều truyện kể và trò chơi dân gian gắn liền với các nghi lễ..

tron mat xem nguoi tay - nung xu lang choi lay co trong ngay hoi hinh anh 1

Những cuộc thi Lảy cỏ luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem.

Theo các bậc cao niên kể lại: Trò chơi Lảy cỏ nguyên thủy xuất phát từ Trung Quốc, khi đến với đồng bào Tày - Nùng đã được cải biên và dần dần đã trở thành một trò chơi truyền thống của đồng bào vùng núi phía bắc. Trò chơi Lảy cỏ đơn giản, không tốn nhiều thời gian chuẩn bị, dụng cụ để chơi cũng dễ kiếm. Hình thức chơi lành mạnh, thu hút nhiều thanh niên, trung niên tham gia. Địa điểm để tổ chức trò chơi lại càng thuận tiện, có thể chơi bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Đặc biệt lúc ở trong tiệc rượu, khi mọi người đã ngà ngà say thì trò chơi này còn có tác dụng giải rượu.

Trò chơi Lảy cỏ có thể chơi từng đôi, cũng có thể chơi tập thể và muốn long trọng hơn thì sẽ có trọng tài để quyết định thắng bại. Dụng cụ chơi trong mâm cỗ thường dùng đũa. Trọng tài khởi lệnh, những người tham gia chơi sẽ tự hô từ số 0 đến số 10 bằng tiếng địa phương hoặc bằng tiếng Hán. Người tham gia chơi phải chú ý tập trung, phải nhanh mắt, nhanh tay theo dõi đối phương để dự đoán bắt bài đối phương, đồng thời mình cũng phải xòe ra một ngón tay hoặc một số ngón tay nhất định, mắt theo dõi tay của đối phương. Nếu tiếng hô số của mình trùng với số ngón tay của đối phương cộng với số ngón tay của mình xòe ra thì dừng lại để ăn điểm. Nếu không trúng lại tiếp tục chơi cho đến khi một bên thắng điểm mới thôi.

Cứ một lần thắng, trọng tài lại chia một que đũa, cuối cùng cộng lại bên nào nhiều que đũa hơn là thắng cuộc. Người thua phải uống phạt một chén rượu hoặc chén nước theo như đã thỏa thuận với nhau từ đầu cuộc chơi.

tron mat xem nguoi tay - nung xu lang choi lay co trong ngay hoi hinh anh 2

Trong các cuộc thi, trọng tài sẽ là người giám sát, thống nhất và phổ biến cách thức trò chơi đến người tham gia.

Ông Dương Trùng Ngàn, dân tộc Dao, 50 tuổi, ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết: Tôi là người dân tộc Dao nhưng qua các lễ hội thấy nhiều người chơi nên tôi cũng học dần rồi nắm được cách thức chơi trò chơi đặc biệt này. Tôi thấy trò chơi này hay, độc đáo ở điểm không cần chuẩn bị đạo cụ, trong nhiều cuộc vui, đám cưới, lễ hội thì còn có tác dụng giúp người chơi tỉnh táo lại, giải rượu bởi hơi rượu bay hơi khi người chơi hô to.

Trò chơi Lảy cỏ thường được tổ chức trong những dịp lễ hội, tết, ngày vui của đồng bào Tày - Nùng nhằm tạo không khí sôi động, phấn khởi. Trò chơi này gần giống như trò oẳn tù tì, nhưng phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ. Người chơi có thể xòe ra mấy ngón tay tùy thích, miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình hô. Ai đoán đúng sẽ thắng.

Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa, gọi là “thồng sinh”. Mỗi hiệp đấu sẽ được tính là 4 điểm số bằng cách lấy 4 que đũa chia đều cho mỗi bên. Cứ người nào thua thì tự giác rút bớt 1 que và đưa cho người thắng. Rút hết 4 que là xong một hiệp, ai giành được hết 4 que là người thắng cuộc.

Nhiều cuộc chơi tạo ra sự giằng co điểm số, có thể kéo dài từ 15-20 phút mà không phân thắng bại. Nét độc đáo và đặc trưng riêng cũng được thể hiện trong cách chơi, người nào chơi lâu, nhuần nhuyễn thì cách đọc thường có “đuôi” cụ thể: số 2 hô là “nhì tảu”, số 4 là “slế hồng slế”, số 8 là “pát mả pát”… các tiếng hô lên tựa như một bản nhạc hay mà họ tự sáng tác ra, rất dân dã và gần gũi, tạo niềm vui cho chính họ và những người xung quanh.

Em Triệu Văn Hương, dân tộc Nùng, 15 tuổi, ở xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình chia sẻ: Mặc dù chưa biết chơi, nhưng em rất thích xem các cuộc thi Lảy cỏ được tổ chức trong các dịp lễ hội. Em sẽ học chơi để được thi tài trong các cuộc thi Lảy cỏ, thể hiện bản sắc dân tộc của mình.

Theo Dân Việt

Tin khác