Chiều 24.12, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã công bố triển khai chương trình Ngày hội Văn hóa đọc TPHCM 2021. Theo đó, các hoạt động sẽ được khai mạc từ 9h ngày 27.12.2021, kéo dài đến hết ngày 5.1.2022.
Khác với mọi năm, sự kiện tổ chức tại đường Nguyễn Huệ ở trung tâm quận 1, TPHCM. Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp với các Sở, ban, ngành và đơn vị khác triển khai chương trình bằng hình thức trực tuyến, trên công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường.
Người dân chỉ cần truy cập vào trang web ở địa chỉ: www.ngayhoivanhoadoc.hochiminhcity.gov.vn là sẽ được tận hưởng, trải nghiệm toàn bộ không gian của sự kiện với các khu vực lớn như: Khu vực triển lãm biển đảo Việt Nam; khu vực truyền thống dân gian Việt Nam; khu vực trò chơi dân gian Việt Nam và sân khấu múa rối nước; bảo tàng giới thiệu hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu vực không gian Thư viện khoa học Tổng hợp TPHCM giới thiệu các hoạt động, công nghệ phục vụ bạn đọc…
Các hình ảnh, tư liệu, thông tin của các khu vực, địa điểm… liên quan đến các hoạt động văn hóa, thể thao của TPHCM đều được tích hợp lên nền tảng trực tuyến. Đặc biệt tại mỗi khu vực, người xem sẽ được những người dẫn chương trình giới thiệu chi tiết, tận tình bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… giúp mọi người có những trải nghiệm tốt nhất.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị triển thực hiện Ngày hội văn hóa đọc bằng hình thức trực tuyến, để thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn phức tạp. Ông nhấn mạnh: "Thông qua sự kiện này, hình thức thể hiện này, chúng tôi sẽ giới thiệu được tất cả các đơn vị của sở, các hoạt động của sở đến với đông đảo mọi người dân".
Ông Nam nhấn mạnh, sau khi sự kiện kết thúc, trang chủ sẽ được duy trì, nâng cấp và bổ sung tư liệu để trở thành cổng thông tin chính thức về Văn hóa đọc của địa phương do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM vận hành và quản lý. Ông mong muốn mọi người có thể trực tiếp trải nghiệm và có những đóng góp, phản biện để việc tổ chức được hoàn chỉnh hơn, khắc phục những thiếu sót trong lần đầu thực hiện trên nền tảng thực tế ảo.