Mục đích của hội thảo quốc tế nhằm khai thác kinh nghiệm thành công của quốc tế về hình thành mô hình "Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao" tại các quốc gia trong khu vực, đồng thời thu thập ý kiến dự báo, phân tích, đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư hình thành "Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao" để xây dựng định hướng đầu tư và phát triển bền vững trong tương lai.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng qua hội thảo lần này với những đề xuất, sáng kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố sớm hoàn thành đề án triển khai Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao tại TP HCM. Trong đó, tập trung những giải pháp chuyển đổi công nghệ sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị tại các nhà máy của công ty sản xuất công nghiệp của VN theo hướng áp dụng công nghệ cao, đáp ứng linh hoạt các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong chương trình các diễn giả đã đóng góp nhìn chuyên nghiệp từ những phân tích và so sánh thực trạng, bối cảnh cũng như tiềm năng của vấn đề này tại TP HCM. Một số ý kiến nhận định ưu điểm các KCN mới hình thành và các KCN chuẩn bị quy hoạch sẽ dễ dàng thiết kế các chính sách phù hợp thu hút phục vụ cho ý tưởng KCN hỗ trợ công nghệ cao cho TP HCM.
Theo GS TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, Ủy viên Hội đồng Khoa học TP HCM cho biết bên cạnh 17 KCN hiện hữu thì có hai nhóm KCN nên được nghiên cứu thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ: Nhóm các KCN mới hình thành và đang thu hút đầu tư và Nhóm các KCN chưa xây triển khai xây dựng hạ tầng.
Các KCN mới thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp thuộc 4 ngành kinh tế trọng yếu của TP HCM và kết nối cung cấp linh kiện cho các FDI đang hoạt động tại TP HCM và Việt Nam.
Vấn đề chi ngân sách cho khoa học công nghệ (KHCN) của TP HCM cũng được chỉ rõ sẽ là yếu tố tạo nên những động lực cho quá trình công nghiệp hóa. Đối với TP HCM, với vị trí là đầu tàu và tiên phong nhưng đáng tiếc là chi ngân sách cho KHCN của TP HCM trong thập niên qua cũng không nổi bật hơn so với bức tranh chung cả nước. Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2016-2020, chi ngân sách cho KHCN của TP HCM chỉ chiếm 2,03% tổng chi ngân sách, tương đương chỉ 1.418 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên do chi ngân sách của thành phố hiện chỉ chiếm khoảng 6% GRDP trong khi thu ngân sách lên đến hơn 27% GRDP nên số chi cho KHCN 2,14% tổng chi ngân sách cũng chỉ tương đương 0,13% GRDP của TP.HCM.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chỉ rõ, chi tiêu cho R&D từ khu vực tư nhân năm 2020 cũng chỉ chiếm khoảng 0,36% GRDP, giảm đáng kể so với mức 0,85% GRDP năm 2019. Như vậy, tổng chi cho KHCN và R&D của TP HCM cũng chỉ chiếm 0,5% GRDP trong năm 2020. Sự sụt giảm mạnh chi cho R&D trong năm 2020 có thể một phần do tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên ngay cả những năm trước khi xảy ra Covid-19 xảy ra thì tổng mức chi cho KHCN và R&D hiếm khi nào vượt quá 1% GRDP của TP HCM, trừ năm 2016. Đây là con số vô cùng khiêm tốn nếu so với các nứớc công nghiệp hóa mới thành công nhờ biết dựa vào động lực của KHCN. Vì vậy, tình trạng này sẽ khó tạo ra những đột phá mới cho khoa học công nghệ, thúc đẩy tốc độ công nghiệp hóa.
Với định hướng phát triển mô hình cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, điểm mấu chốt là chi khoa học công nghệ nói chung, R&D nói riêng của TP HCM phải tương xứng, không chỉ với vai trò là 'quốc sách hàng đầu' của mà trực tiếp là sứ mạng dẫn dắt, làm "bật lên" sức cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của TP HCM trong tương lai.
Nhiều ý kiến xoay quanh dựa trên tinh thần đổi mới và hiện đại về cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM đã được đặt ra. Bên cạnh việc nêu bật vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ chế, chính sách cần thiết mà nhiều đóng góp còn đặt ra vấn đề không chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của TP HCM mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp là liên kết công nghiệp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, hợp tác quốc tế là chiến lược không thể xem nhẹ nhằm tăng khả năng hấp thu tri thức và công nghệ, tăng cường kết nối với các trung tâm R&D, các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).