Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng được xếp hạng nhất về chuyển đổi số cấp tỉnh, thành. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số (CQS), Kinh tế số (KTS) và Xã hội số (XHS), với giá trị chuyển đổi số (DTI) đạt 0,4874.
Top 5 tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điểm nổi bật của thành phố Đà Nẵng trong chuyển đổi số chính là đề án chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đứng nhất 12 năm liên tiếp về ICT index trong các tỉnh thành, đạt giải thưởng ASOCIO smart city 2019.
Cùng với đó, Đà Nẵng đã triển khai cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Không chỉ vậy, thành phố còn thành lập trung tâm giám sát với 200 camera giao thông thông minh, 1.800 camera an ninh chuyên dụng, 34.500 camera giám sát huy động từ người dân, doanh nghiệp...; 100% đơn vị y tế triển khai ứng dụng y tế điện tử trên nền tảng chung; 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng ứng dụng và tiện ích trên môi trường số.
Hiện nay, Đà Nẵng đã thực hiện tổng cộng 24 nhiệm vụ chuyển đổi số, đáp ứng kế hoạch đề ra. Cụ thể, 95% giao dịch 12 dịch vụ điện được thực hiện qua kênh của Trung tâm Chăm sóc Khách hàng và Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Theo Phó giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông TP. Đà Nẵng, các cơ quan thành phố đã chủ động, tích cực triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ như: mạng viễn thông dùng riêng với băng thông kết nối mỗi cơ quan đến 10Gbp/s, Trung tâm dữ liệu, Hệ thống wifi công cộng miễn phí, Tổng đài dịch vụ công 1022, các Trung tâm giám sát chuyên ngành (như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông an toàn thông tin, quan trắc môi trường…).
Đà Nẵng cũng đã hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền (như: công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức,...) và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai phần mềm CSDL và quản lý nhà nước chuyên ngành các sở, ngành, quận, huyện; thí điểm kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố. Đến nay, Đà Nẵng đã bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công (sổ đỏ, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh,…).
Ngoài ra, các nền tảng chính quyền điện tử cũng đã triển khai như Egov Platform, trục LGSP, cổng dịch vụ công, hệ thống báo cáo điện tử; đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform).
Trong đợt dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, Đà Nẵng triển khai hiệu quả 17 giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19 gồm khai báo y tế điện tử, thẻ vé đi chợ và giấy đi đường mã QR, giám sát cách ly F1 tại nhà, bản đồ dịch tễ Covidmap. Công nghiệp CNTT cũng đóng góp 7,5% GRDP của thành phố, doanh nghiệp công nghệ số đạt tỷ lệ 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, chuyển đổi số là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển của thành phố. Đặc biệt, chuyển đổi số góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN.
Tính đến nay, top 5 tỉnh thành thực hiện chuyển đổi số tốt nhất cả nước đó là Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh.