Từ ngày 15-3 vừa qua, Việt Nam mở cửa lại du lịch đón khách quốc tế, theo đó, hàng loạt các dịch vụ khác cũng được hoạt động trở lại. Thời gian qua, nhiều hoạt động từng bị đánh giá là "có nguy cơ" lây lan dịch Covid-19 như như karaoke, spa, massage, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim, sân vận động… đã được phép hoạt động trở lại.
Tại TP HCM, từ ngày 10-1, UBND TP HCM cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa.
Việc giữ khoảng cách trong bối cảnh mở cửa các hoạt động giải trí rất khó thực hiện - Ảnh minh hoạ
Còn tại Hà Nội, dù chưa cho karaoke, spa, massage… hoạt động trở lại, song các hoạt động, dịch vụ khác cũng đã được mở cửa bình thường. Nhiều tháng nay, số ca mắc ở Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước nhưng Hà Nội luôn khẳng định dịch đang được kiểm soát và có xu hướng giảm dần trong những ngày qua.
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh chống dịch "cởi mở" như hiện nay cùng với việc mở cửa lại du lịch đón khách quốc tế, hàng loạt các dịch vụ khác theo đó cũng được hoạt động trở lại thì cần thay đổi trong việc thực hiện quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8-2021.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc giữ khoảng cách và không tập trung đông người tuy không còn phù hợp với phương án "thích ứng, an toàn, linh hoạt" như hiện nay nhưng vẫn nên được khuyến cáo.
PGS Nga cũng cho biết hiện nay đã không còn xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không đeo khẩu trang hay tụ tập đông người, vì còn tùy vào tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc khuyến cáo vẫn nên thực hiện. "Biến chủng mới rất dễ lây lan, chưa thể xem Covid-19 là bệnh lưu hành thông thường thì tuân thủ được nội dung khuyến cáo nào ta cứ nên thực hiện"- ông Nga nói.
Trong khi đó, theo phân tích của một chuyên gia dịch tễ, cần linh hoạt trong việc ứng dụng 5K. Chuyên gia này phân tích hiện Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp với hình thức lây vẫn là giọt bắn, nguy cơ cao là tiếp xúc gần, môi trường kín, đông người và quy định 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân rất hiệu quả. Do vậy, khẩu trang và khử khuẩn là 2 "K" rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ chỗ nào, lúc nào cũng phải thực hiện hết các quy định 5K. Ví dụ như khi ăn uống thì không thể mang khẩu trang, nhưng vẫn có thể khử khuẩn và giữ khoảng cách an toàn.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tụ tập đông người và giữ khoảng cách an toàn có thể khó thực hiện bởi học sinh đã trở lại trường, người dân đã đi làm bình thường trở lại và tham gia các hoạt động xã hội và giải trí tương đối bình thường, dù vậy, vẫn cần áp dụng linh hoạt 5K, nhất là khẩu trang và khử khuẩn bàn tay.
Theo chuyên gia này, tại Hà Nội và một số địa phương, số ca mắc Covid-19 tuy đang cao nhưng với việc xác định sống chung với dịch, mọi người cần có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe cho mình và người xung quanh. Người dân nếu có vấn đề về sức khỏe, nghi ngờ mình mắc Covid-19, đang là F0 hoặc mới tiếp xúc với ca bệnh thì cần tự giác phòng bệnh.
Việc khử khuẩn tay được đánh giá là rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc Covid-19
Ngoài ra, với việc nới lỏng các dịch vụ, nhiều ý kiến cũng cho rằng người dân và chính quyền cũng không nên chủ quan mà cần tăng cường kiểm soát rủi ro.
"Tới đây, có thể Hà Nội sẽ cho phép mở lại các dịch vụ như karaoke, spa, massage… nhưng chủ cơ sở và người sử dụng dịch vụ vẫn cần tuân thủ các quy định phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế. Chẳng hạn đơn vị kinh doanh karaoke có thể bố trí phòng cách ly riêng khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh và yêu cầu sát khuẩn tay khi sử dụng dịch vụ; nhân viên thực hiện khử khuẩn trước và sau khi có khách đến hát karaoke... Đối với người tham gia dịch vụ cần tiêm phòng vắc-xin đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt)…"- một chuyên gia lưu ý.
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, việc thực hiện 5K phải linh hoạt trong từng hoạt động có tính chất riêng biệt của mỗi ngành, nghề, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi công ty, xí nghiệp, nhà máy, mỗi trường lớp...
Tùy tình huống cụ thể mà ưu tiên áp dụng "K" phù hợp nhất, các "K" còn lại bổ sung cho nhau, với mục tiêu là làm giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng.