Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với những mục tiêu, giải pháp đột phá

Thứ Năm, 23/01/2020 08:32
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với những mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá nhằm đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Trong đó, Chiến lược khẳng định quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đồng thời, nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đặt mục tiêu đón 50 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030

Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về du lịch trong Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm.

Về khách du lịch, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.

Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm.

Về khách du lịch, phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.

Triển khai 9 giải pháp đồng bộ

Để thực hiện những mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 9 giải pháp đồng bộ gồm có (1) Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; (4) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (5) Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; (6) Phát triển sản phẩm du lịch; (7) Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; (8) Ứng dụng khoa học, công nghệ; (9) Quản lý nhà nước về du lịch.

Trong đó, đáng chú ý, Chiến lược đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường. Ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư; thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư. Tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, đi lại cho khách quốc tế, mở thêm các đường bay mới trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường nguồn.

Chiến lược đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch. Thường xuyên điều tra, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách; phát triển đa dạng thị trường khách quốc tế và phát triển mạnh thị trường khách nội địa.

Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch thể thao, giải trí; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, khai thác thế mạnh ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái, thể thao mạo hiểm. Tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, phát huy sức mạnh truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Phát huy vai trò cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mở văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở một số thị trường trọng điểm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, trong đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về du lịch; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương; đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành, liên vùng về du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp.

Đột phá về hạ tầng sân bay, cảng biển, chính sách thị thực

Chiến lược nhấn mạnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển du lịch, chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch và các chương trình, đề án phát triển du lịch chuyên đề về thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá.

Phát triển hạ tầng sân bay là một trong những nhiệm vụ đột phá để phát triển du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đặc biệt, cần tập trung huy động nguồn lực để triển khai một số nhiệm vụ đột phá. Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới sân bay Long Thành, Chu Lai…; nâng cấp, mở rộng sân bay ở các địa bàn trọng điểm và tiềm năng, trước hết tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn…; đầu tư xây dựng một số cảng biển du lịch quốc tế và các tuyến đường bộ kết nối với các khu du lịch quốc gia.

Tạo thuận lợi nhất về thủ tục cấp thị thực cho khách quốc tế, áp dụng chính sách cấp thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế; cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Đồng thời, đầu tư hình thành một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch. Hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân./.

Theo TITC

Tin khác