Tái hiện hoạt cảnh Ngự Trà Hoàng Cung

Chủ Nhật, 27/04/2025 13:50
Hòa chung không khí cả nước hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề "Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới" gắn với Festival Huế 2025 “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Thương hiệu Đôi Dép và Nam A Bank phục dựng nghi thức và tái hiện hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần.

Chương trình thưởng trà Hoàng cung được tổ chức từ 20g00 các ngày 25, 26, 27/04/2025 tại Nhà Di Nhiên Đường, Thiệu Phương Viên, Đại Nội, Thành Phố Huế.

Nhà vua mở tiệc ngự trà

Buổi tái hiện Ngự trà Hoàng cung được tổ chức tại Di Nhiên Đường (Di Nhiên: Di dưỡng tự nhiên). Ngôi nhà Di Nhiên Đường cùng với Cẩm Xuân Đường, Hàm Xuân Hiên, Vĩnh Phương Hiên là các kiến trúc nằm bốn phía của mô hình kiến trúc độc đáo “Vạn Tự Hồi Lang”, tức là có hồi lang hình chữ “Vạn” nằm ở giữa vườn Thiệu Phương. Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của triều Nguyễn. Vườn được xây dựng vào năm 1828, dưới thời vua Minh Mạng và nằm ở phía Đông bên trong Tử Cấm Thành.

Vào năm 1844, vườn Thiệu Phương đã được vua Thiệu Trị xếp làm thắng cảnh thứ hai của đất Thần Kinh trong bộ thơ Ngự Đề Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập của nhà vua, gắn liền với bài thơ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” và bức tranh kính (tranh gương) hiện còn trưng bày ở Bảo tàng Cổ Vật Cung đình Huế. Những thông tin lịch sử ấy là cơ sở để lựa chọn địa điểm tổ chức tái hiện Ngự trà Hoàng cung tại vườn Thiệu Phương, tạo tiền đề tổ chức thường xuyên các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách khi tới tham quan Đại Nội có thể hiểu được tinh hoa Trà Thức Việt Nam theo hình thái Ngự thức.

Phục dựng không gian, tái hiện hình thức Ngự Trà Hoàng Cung

Từ các hiện vật văn hóa, lịch sử, không gian thưởng trà được trưng bày các cặp câu đối do vua Thiệu Trị đề từ trong các bài thơ của mình theo hình thức câu đối trong cung xưa. Đồng thời trưng bày các bài thơ khảm xương như bài thơ Vũ trung Sơn thuỷ - Non nước trong mưa - một bài thơ chơi chữ độc đáo của vua Thiệu Trị, 56 chữ đọc được 64 bài, bài Mạn ca - khúc hát tản mạn - một bài thơ triết lý về cuộc đời của vua Tự Đức, bài thơ chữ Nôm Mừng đặng mưa - bài thơ bày tỏ niềm vui của vua Tự Đức khi cầu đảo được mưa, niềm vui về nông vụ; Bài thơ Tân thiều thí bút -Thử bút đầu năm của vuaThành Thái viết về cảnh sắc Thần Kinh thời tiết thuận và niềm hy vọng mùa màng bội thu). 

Tứ trụ thiên thần biểu diễn Trình tường tập khánh mừng thọ nhà vua

Trong hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần và khách quan, khi dùng trà, nhà vua và các quan ngâm vịnh thi phú, cùng liên vận sáng tác một bài thơ thất ngôn bát cú đường luật nói về việc thưởng trà thời thái bình. Nhà vua truyền đội nhạc công cùng ca công ngâm bài thơ do vua và các quan vừa sáng tác. Nhân cao hứng, nhà vua mời các quan cùng các vị khách thưởng thức những bài bản nhã nhạc do các Nhạc quan vừa san định (tiểu nhạc Phú lục địch; múa cung đình Trình tường tập khánh; ca Huế Ngự Hương trà ngát hoàng cung).

“Ngự Hương trà ngát hoàng cung” là bài ca Huế được sáng tác mới theo bài bản Phẩm Tuyết. Ngự Hương trà mang ý nghĩa là trà của nhà vua đồng thời cũng là trà của miền núi Ngự sông Hương đậm nét văn hoá Kinh kỳ.

Nhà vua ban Ngự trà cho các quan đại thần

Cuối cùng, nhà vua ban trà cho các quan và tặng trà cho các vị khách và tuyên bố buổi thưởng trà kết thúc (sau đó người tham dự tiếp tục trò chuyện và dạo chơi trong vườn Thiệu Phương).

Ngũ thức Việt trà Nền tảng lý luận cho Trà Thức Việt Nam khẳng định Trà chính là “Quốc ẩm Việt Nam”

Văn hóa trà Việt Nam đã có từ ngàn xưa, gắn liền với lịch sử dân tộc. Thể hiện năm hình thức thưởng trà tiêu biểu của người Việt, biểu trưng cho năm phẩm chất chân - thiện -mỹ - trí - tinh. Sự đa dạng trong cách thưởng trà thể hiện sự phong phú, sâu sắc trong văn hóa trà Việt Nam. Đó chính là sự gói gọn của bản sắc dân tộc về tính đa thức và niệm thức sâu sắc trong đối nhân xử thế của người Việt. 

Sự đa dạng của các kiểu thức trong thưởng trà của người Việt được thể hiện qua “Ngũ Thức Việt Trà”. Theo đó, Mộc thức là kiểu uống trà phổ biến của người Việt khi không quá đặt nặng tính cầu kì của việc thưởng trà. Mộc thức lấy sự chân phương - bình dị làm nền tảng.

Văn thức là cách thức thưởng trà ở mức độ cầu kỳ. Kiểu thức này đòi hỏi người thưởng trà có sự am hiểu nhất định về trà, từ cung cách uống cho đến loại trà uống, trà cụ... Văn thức đề cao vẻ đẹp, sự vi tế của trà Việt. Còn Ngự thứclà cách thưởng trà cung đình dành cho những bậc vua chúa, hoàng tộc khi xưa. Ngự thức chính là sự tinh tuý của trà Việt

Tiếp đến là Tĩnh thứccách thức thưởng trà hướng đến sự an tĩnh, giàu tính chiêm nghiệm. Tĩnh thức hướng đến xây dựng tâm tĩnh lặng, nuôi dưỡng bản chất thiện lương của người Việt. Cuối cùng là Thư thức - thưởng trà kết hợp với việc đọc sách, thưởng lãm nghệ thuật làm phong phú trí tuệ và tâm hồn người Việt. Thư thức biểu tượng cho trí tuệ của người Việt.

Những năm gần đây, Nam A Bank luôn nỗ lực tiên phong triển khai, đồng hành cùng các chương trình, hoạt động văn hóa trong nước và quốc tế, nhằm lan tỏa và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc. Mới đây, Ngân hàng mắt thẻ Nam A Bank Visa Platinum lấy cảm hứng từ văn hóa trà - tinh hoa văn hóa Việt NamSự kết hợp giữa văn hóa trà trên một sản phẩm – dịch vụ tài chính hiện đại, vừa thể hiện sự khiêm cung, chân thành, lan tỏa nét đẹp văn hóa vừa cho thấy sự mạnh mẽnỗ lực vươn lên, khẳng định thương hiệu của Nam A Bank trên thị trường. Với ý nghĩa đó, thẻ Nam A Bank Visa Platinum đã được Tổ chức Visa trao tặng giải thưởng Inspirational Frist Product Launch Award - Giải thưởng truyền cảm hứng cho sản phẩm ra mắt đầu tiên.

Hoà cùng dòng chảy thăng trầm của ngành Trà Việt Nam, Nam A Bank đã góp phần nâng tầm giá trị Trà Việt cùng việc thúc đẩy kinh tế và ngoại giao quốc tế. Cùng với dòng chảy văn hóa dân tộc đầy bản sắc, văn hóa trà Việt không chỉ được tôn vinh mà còn trở thành biểu tượng của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Qua đó, Việt Nam gửi gắm giấc mơ ngàn đời của dân tộc về một thế giới hòa bình, nơi bản sắc văn hóa được lan tỏa và đón nhận trong tình hữu nghị, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, khát vọng non song Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Nguồn Nam A Bank

Tin khác