Bánh hỏi cháo lòng ấm bụng ban sáng
Thử tưởng tượng bạn đang ở Quy Nhơn vào ngày hè nắng đẹp, sáng sớm thức dậy ngắm bình minh trên biển, khoan khoái hít căng tràn lồng ngực hơi biển mát rượi, sau đó thưởng thức bữa điểm tâm nóng hổi. Bánh hỏi cháo lòng có thể ăn vào bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng nhâm nhi vào buổi sáng sau khi tắm biển là “chuẩn” nhất.
Phần bánh hỏi tráng mỏng, sợi nhỏ mềm dai phết đều lớp dầu hẹ vừa thơm dịu vừa bắt mắt. Dọn lên cùng là đĩa lòng heo gồm ruột non, dồi trường, bao tử, tim, gan, cật… và vài lát thịt ba chỉ. Lòng heo phải chọn loại tươi mới, luộc vừa chín tới. Tất nhiên không thể thiếu một tô cháo lỏng được nấu bằng nước luộc lòng sóng sánh béo ngậy. Tô cháo bốc hơi nghi ngút rắc thêm hành lá tươi, hành phi và tiêu dậy mùi thơm phức.
Thực khách có thể gắp lát bánh hỏi kẹp cùng lòng heo, rau thơm rồi chấm vào chén nước mắm ớt đậm đà cay the, sau đó húp xì xụp vài muỗng cháo nóng nấu nhừ. Bạn cũng có thể cho lòng heo vào cháo.
Không quá khi cho rằng sự kết hợp thú vị từ bánh hỏi và cháo lòng làm cho món ăn dân dã, bình dị này trở nên cực kỳ cuốn hút.
Bún rạm Trà Ổ độc đáo tròn vị
Có người chỉ nghe đến bún cá, bún sứa Quy Nhơn mà không biết rằng còn một món ăn đặc sắc khác nên thưởng thức khi ghé Bình Định: bún rạm. Con rạm thuộc họ cua nhưng vỏ mềm và thân nhỏ hơn, bụng vàng, chủ yếu sống ở vùng đồng ruộng hoặc đầm lầy nước mặn.
Vùng đầm Trà Ổ ở Bình Định từng là vịnh nước mặn, sau đó nhận nước nguồn từ các con suối lớn nhỏ, cộng thêm mạch nước ngầm, nên thành đầm nước lợ. Nơi đây sản sinh ra những loại thủy sản đặc sắc như cá chình, tôm đất và nhất là những con rạm nhiều gạch, càng to, thịt béo ngậy.
Rạm được tách riêng trứng và gạch để xào cùng hành phi. Người ta giữ nguyên cả vỏ rạm đem giã nhuyễn, lọc lấy thịt và nước rạm để nấu nước dùng. Nhìn thoáng qua, có người lầm bún rạm với bún riêu nhưng 2 món này không hề giống nhau. Phần nước rạm sánh đặc, nhiều gạch, sóng sánh màu vàng mỡ, dậy mùi thơm. Nước dùng mang vị ngọt đậm đà tự nhiên, phần gạch và thịt rạm béo bùi.
Bởi bún rạm đã có hương vị tròn trịa nên không cần quá nhiều phụ gia hay nhân ăn kèm. Món bún này ăn với rau sống, hành ngò, dưa leo bào sợi, có nơi thêm đậu phộng rang nguyên hạt. Bạn có thể bẻ miếng bánh tráng nướng giòn tan để chấm vào nước rạm sền sệt béo ngậy.
Thường thì phần bún và nước rạm được để riêng, ăn tới đâu thì chan vào trộn đều tới đó. Có vài quán biến tấu bún rạm thành bún nước nên chan trực tiếp nước lèo vào tô bún, ăn kèm hải sản như cá biển, tôm, sứa, mực. Đến Bình Định, nhất định bạn phải thưởng thức bún rạm để thấm thía hương vị quê kiểng mà tinh tế của ẩm thực xứ này.
Nem tré chợ Huyện nức tiếng gần xa
Nhờ hương vị thơm ngon độc đáo, nem tré chợ Huyện đã vang danh cả nước, trở thành món đặc sản nhiều du khách đến Bình Định đều mua về làm quà.
Thịt nạc được thái nhỏ và quết trong cối tới khi nhuyễn; nêm muối và đường theo tỉ lệ riêng, sau đó cho da heo thái sợi vào, thêm tiêu hạt và ớt đỏ cắt khoanh để tăng độ thơm cay. Nem ở vùng này gói bằng lá ổi tươi, sau đó bọc ngoài bằng lá chuối. Nem chợ Huyện có vị ngon rất riêng, vừa đủ độ chua hòa quyện vị ngọt thanh, cay the; vừa đủ dai giòn, sần sật rất ngon. Nem có màu hồng đẹp mắt.
Có thể ăn nem với tép tỏi ta, chấm thêm mắm hoặc tương ớt để đậm đà hơn. Hoặc cuốn nem chợ Huyện trong bánh tráng mỏng cùng rau thơm, xà lách, dưa leo, chuối chát, chả ram… chấm nước xốt đậu phộng hoặc nước chấm chua ngọt.
Ngoài nem chua, Bình Định còn nổi tiếng với tré. Tré được làm từ phần thịt đầu heo (tai, mũi), thịt ba chỉ và da heo. Thịt được tẩm ướp gia vị theo công thức gia truyền của người địa phương, bao gồm thính, tiêu xay, tỏi, ớt, riềng, mè, muối, đường… Đợi khoảng 30 phút đến 1 giờ cho thịt thấm, sau đó gói trong lá ổi già. Bọc ngoài cùng lớp rơm khô rồi buộc chặt 2 đầu. Chừng vài ngày sau, tré sẽ lên men dậy mùi thơm.
Tré bó rơm là sự hòa quyện giữa mùi thơm của thịt, của thính, mùi đặc trưng từ lá ổi và rơm, thơm nồng gia vị riềng tỏi. Đặc biệt, dường như hương vị quê hương mộc mạc đã gói trọn trong bó tré còn vương mùi lúa chín man mác. Thịt tré giòn sựt, không dính bết, ngấm đều thính lên men vị chua nhẹ, ngọt thanh; có thể ăn trực tiếp hoặc làm món tré trộn. Sau khi đánh tơi thịt tré, trộn cùng cóc non cắt lát hoặc xoài xanh xắt nhỏ, ít dưa leo, tỏi ớt băm, rau xanh… Có thể thêm ít nước mắm chua ngọt để món tré trộn đậm đà đúng điệu.
Bánh xèo tôm nhảy - nỗi nhớ ngày mưa
Bánh xèo là món ăn phổ biến có thể tìm thấy ở mọi miền. Khác với bánh xèo Nam Bộ, bánh xèo miền Trung có kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Vỏ bánh không mỏng và giòn tan mà có thể dày hơn với độ mềm vừa phải. Chiếc bánh xèo tôm nhảy Bình Định lại càng nhỏ (cỡ hơn miệng chén một chút) nhưng phần nhân tôm đầy đặn tới nỗi tưởng như tràn viền.
Sở dĩ có tên gọi bánh xèo tôm nhảy bởi bí quyết tạo nên điều đặc biệt của món ăn trứ danh này là sử dụng tôm đất (tôm sông hoặc tôm đầm) còn nhảy tanh tách khi cho vào chảo nóng. Tôm sông có vỏ mỏng và mềm, săn thịt, vị ngọt đặc trưng sẽ làm món ăn ngon hơn.
Làm nóng dầu trong chảo gang và cho vào khoảng chục con tôm đất đã cắt bỏ đầu, che hờ nắp cho tôm khỏi nhảy văng ra ngoài. Khi tôm ngả sang màu đỏ tươi thì đổ bột gạo nước vào. Tiếp đến, cho thêm giá và hành lá rồi đậy nắp đợi bánh chín. Nhìn cô chủ quán thoăn thoắt đổ từng cái bánh xèo, lòng chợt nhớ những ngày mưa ở quê, cả nhà tụ tập lại cùng đổ bánh xèo bên gian bếp ấm.
Ngoài bánh xèo tôm nhảy, còn có bánh xèo với các loại nhân khác như mực cơm nhỏ, thịt bò… nhưng cách đúc ngược lại: đổ bột trước, cho nhân sau. Phải đảm bảo viền bánh hơi giòn và co lại, phần giữa của vỏ bánh hơi mềm, khi cắn không bị vỡ vụn, không bị cháy, phần nhân chín mềm.
Bánh xèo tôm nhảy được cuốn trong bánh tráng mỏng, cùng với rau thơm, cải con, xà lách, dưa leo, xoài non bào sợi hoặc xắt lát mỏng. Cuốn miếng bánh xèo rồi chấm vào chén nước mắm ớt đường chua ngọt, vừa ăn vừa xuýt xoa vì ngon quá sức tưởng tượng.