Ngày 6/10, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Chủ trì cuộc hội thảo, ông Lê Ngọc Khánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết mục đích của hội thảo là lãnh đạo và các ngành liên quan của tỉnh lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để hướng tới phát huy tiềm năng du lịch của Côn Đảo trong tương lai.
Theo ông Khánh, hiện nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng đề án phát triển kinh tế Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, việc phát triển triển du lịch đang được chú trọng và quan tâm. Tuy nhiên, Côn Đảo không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Việc phát triển mạnh về du lịch tại Côn Đảo cần phải có thêm các giải pháp để gìn giữ môi trường, cảnh quan làm động lực cho phát triển kinh tế bền vững.
Vẻ đẹp hoang sơ của Côn Đảo |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn cho rằng, với sức phát triển du lịch như hiện nay, du lịch Côn Đảo đang phải đối mặt với một số vấn đề như xử lý rác thải, thiếu nguồn nước sinh hoạt, hệ sinh thái rừng và biển đang có nguy cơ bị suy thoái….. Điều này đòi hỏi kinh tế Côn Đảo cần sớm chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là xu hướng tất yếu, có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hoá, sinh thái.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh (trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM), để phát triển Côn Đảo gắn với bảo tồn, có hướng đi bền vững thì du lịch cần đi đôi với bảo tồn môi trường và di sản văn hóa độc đáo của đảo. Bà cho rằng, hướng đi bền vững cho du lịch Côn Đảo nên dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngành du lịch và cộng đồng địa phương cũng như du khách.
Hiện nay, hoạt động du lịch đang tăng trưởng mạnh tại Côn Đảo |
Cũng theo bà Hạnh, Côn Đảo hay bất kỳ vùng đất nào cũng đều có giới hạn về số lượng khách du lịch, công suất hoạt động của ngành du lịch, nếu quá tải sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ cho môi trường sống sau này. Bà Hạnh đã đưa ra một số dẫn chứng, nhiều vùng đất tại Philippines, Thái Lan đã phải đóng cửa du lịch nhằm phục hồi cảnh quan sau một thời gian bị khai thác kiệt quệ.
Đồng tình với ý kiến này một số đại biểu cũng đưa ra các gợi ý cụ thể cho du lịch Côn Đảo cần xây dựng, phát triển các tour du lịch xanh, du lịch không tiêu dùng nhựa và khách tự quản lý rác thải; xây dựng các sản phẩm du lịch chữa bệnh, du lịch gắn kết với thiên nhiên….
Các chuyên gia cũng khuyến cáo chính quyền Côn Đảo cần hướng tới khuyến khích xây dựng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng sử dụng năng lượng tái tạo, tạo ra các chương trình du lịch thiên nhiên dành cho học sinh, sinh viên để tìm hiểu về động vật biển, hệ sinh thái biển và các vấn đề bảo tồn. …
Côn Đảo đang đối mặt với môi trường bị tàn phá. Trong ảnh: Các thanh niên Côn Đảo đang đi nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh ở bãi biển. |
Theo Ths.KTS Vũ Ngọc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 1 (Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia), Côn Đảo có đầy đủ các điều kiện để trở thành một đô thị du lịch sinh thái môi trường của Việt Nam và trên thế giới.
Vì thế, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần có các giải pháp điều chỉnh chung quy hoạch xây dựng Côn Đảo nhằm phù hợp với định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và khai thác bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia.
Từ đó, phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế.