‘Phục vụ chất lượng kiểu Tây, giá cho ta sẽ kích cầu được du lịch’

Thứ Năm, 14/05/2020 14:59
Các doanh nghiệp cho rằng hoàn toàn có thể dựa vào nguồn khách nội địa để phục hồi du lịch. Nhưng muốn kích cầu, ngành cần nâng cao chất lượng và hạ giá sản phẩm.

Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 tốt nhất trên thế giới khi gần 1 tháng qua không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các hoạt động trong nước đã dần trở về bình thường và Chính phủ đã bắt đầu thực hiện phục hồi kinh tế.

Việc đi lại tự do trong nội địa đang tạo thuận lợi cho ngành du lịch phục hồi. Đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Để phục hồi du lịch chính là kích cầu, thu hút khách nội địa đóng vai trò rất quan trọng lúc này.

PV đã trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp du lịch sở hữu và vận hành nhiều khu nghỉ dưỡng lớn để chia sẻ góc nhìn làm sao thu hút được khách nội địa.

Phải hút được khách Việt đi du lịch nước ngoài

Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, cho biết không thể thay thế nguồn khách du lịch nước ngoài, nhưng khách nội địa luôn đóng vai trò rất quan trọng. Giai đoạn 2016-2019 luôn chứng kiến sự tăng trưởng của khách trong nước.

Năm 2019, đã có tới 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó khách quốc tế là 18 triệu lượt. Ông tự tin đến cuối năm 2020, nếu chỉ dựa vào khách nội địa, doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động.

Ông Đức cũng lưu ý đến con số mỗi năm có 10-12 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Nếu hiện tại tận dụng tối đa số khách này, thay vì người Việt Nam mang tiền ra nước ngoài và không thể thu hút khách quốc tế thì có thể tạo ra một lượng khách dồi dào.

“Thay vì họ mang tiền đi ra nước ngoài tiêu, thì khuyến khích sử dụng các điểm tham quan trong nước, đi du lịch nội địa. Nếu thu hút được tới 12-15 triệu lượt người đi nước ngoài đổi sang nội địa thì sẽ là nguồn kích cầu rất lớn”, ông Đức chia sẻ.

Ông Adam Owen Riley, Trưởng bộ phận quản lý khách sạn và dịch vụ du lịch BIM Land (BIM Group), đánh giá Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất hiệu quả và toàn diện khi kiểm toát tốt dịch bệnh. Sau khi khi làm tốt về mặt y tế thì sẽ cần thúc đẩy nền kinh tế hoạt động trở lại.

Ông cho rằng Chính phủ cần duy trì làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh để người dân cảm thấy yên tâm, sẵn sàng đi du lịch. Sau đó các doanh nghiệp có thể đưa ra các chương trình ưu đãi, kích cầu cho du lịch nội địa.

Ông cho biết du lịch nội địa đóng vai trò rất quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo thống kê, 80% khách du lịch của Việt Nam là nội địa. Bản thân BIM Group khi xây dựng các khu nghỉ dưỡng đều hướng tới cả khách nội địa và nước ngoài.

“Khách nội địa rất quan trọng và có thể giúp phục hồi du lịch lúc này”, ông nói.

Chất lượng là hàng đầu

Để kích cầu khách nội địa, ông Đức cho rằng doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại sâu. Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, tạo ra các gói du lịch rẻ, bao gồm vận chuyển, lưu trú, ăn uống… để mọi người đều có thể tham gia.

Ông Đức lưu ý không có nghĩa giá rẻ mà chất lượng lại kém. Lúc này, rất cần các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, với giá phải chăng nhất.

“Giờ phải phục vụ bà con trong nước những kỳ nghỉ mang đẳng cấp quốc tế với mức giá phù hợp. Phục vụ giống kiểu Tây, cho khách ta, mà giá cũng phải ta”, ông nói.

Khi được hỏi về việc Chính phủ có nên hỗ trợ một gói kích cầu du lịch hay không. Ông Đức nhắc đến câu nói “trông giỏ bỏ thóc”. Các doanh nghiệp không chờ đợi Chính phủ cho tiền để người dân đi du lịch mà nên chủ động đưa ra các gói, kích thích tiêu dùng, hút khách mua.

Trong khi đó, ông Adam Owen Riley đồng tình việc nên đưa ra các chương trình giảm giá đặc biệt trong thời điểm này, nhưng nhấn mạnh việc giảm giá chưa hẳn là cách duy nhất để kích cầu.

‘Phuc vu chat luong kieu Tay, gia cho ta se kich cau duoc du lich’ hinh anh 5 adam_zing.jpg

Ông Adam Owen Riley, Trưởng bộ phận quản lý khách sạn và dịch vụ du lịch BIM Land (BIM Group). Ảnh: Hiếu Công.

Ông phân tích các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế vốn đã khẳng định và tạo dựng được giá trị từ trước, cần được duy trì trong tương lai. Khách hàng không nên nhìn vào một yếu tố giá cả mà nên nhìn vào giá trị gia tăng của sản phẩm.

Quan trọng nhất là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo khách hàng luôn có những trải nghiệm tốt nhất và luôn gia tăng thêm giá trị cho khách hàng. Ở góc độ kinh doanh, việc giảm giá chưa chắc đã tốt vì có thể làm giảm đi giá trị của sản phẩm đã được xây dựng.

Ông Owen Riley nhấn mạnh tỷ lệ lấp đầy của một phòng khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng không hoàn toàn phản ánh việc kinh doanh tốt hay không. Đôi khi, công suất phòng thấp, nhưng hiệu quả kinh doanh lại tốt hơn nhiều so với công suất phòng cao.

“Không nên quá đi sâu vào giá cả, mà nên xem cuộc khủng hoảng này là cơ hội bên trong để doanh nghiệp đưa ra chiến lược toàn diện, đảm bảo rằng chúng ta thực sự sẵn sàng khi thị trường quay trở lại. Một chiến lược tiếp thị và truyền thông tập trung với chính sách giá, sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng là điều quan trọng”, ông nói.

Chiến lược phục vụ khách nội địa mới

Theo các doanh nghiệp, khách nội địa có những thói quen tiêu dùng rất khác so với khách quốc tế. Do đó, doanh nghiệp cũng phải thích ứng sao cho phù hợp giai đoạn hiện nay, kể cả việc đáp ứng phòng chống dịch.

Ông Hannes Romauch, Phó tổng giám đốc Eurowindow Holding, doanh nghiệp vận hành 2 khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa, cho biết muốn thu hút khách nội địa thì cần phải có chiến lược mới phù hợp trong giai đoạn này.

Điển hình như khách du lịch nội địa có xu hướng đi theo gia đình, nghĩa là gồm nhiều thế hệ khác nhau. Người già là đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất nên phần nào vẫn e dè trong giai đoạn này. Do đó, muốn khách đi du lịch thì khách sạn cũng nên bố trí lại theo “kiểu gia đình”. Nghĩa là có thể thêm giường, không gian riêng, phù hợp yêu cầu phòng dịch.

‘Phuc vu chat luong kieu Tay, gia cho ta se kich cau duoc du lich’ hinh anh 6 hannes_zing.jpg

Ông Hannes Romauch, Phó tổng giám đốc Eurowindow Holding. Ảnh: Hiếu Công.

Ngoài ra, ông Romauch cũng cho rằng các hãng du lịch phải rất linh hoạt trong thời gian đặt phòng của khách. Giai đoạn này, khách hàng có thể quyết định đi du lịch một cách rất nhanh chóng, chỉ 1-2 ngày nếu thấy có chuyến bay rẻ hay thu xếp được công việc. Do đó, cần rất linh hoạt đáp ứng nhu cầu cho khách.

Khách hàng cũng mong muốn mua được gói du lịch mà càng rẻ, được sử dụng càng nhiều tiện ích càng tốt. Do đó, hãng cũng cần linh hoạt thêm các tiện ích như miễn phí vui chơi tại công viên chủ đề, đồ ăn miễn phí, đồ uống miễn phí tại quán bar…

“Họ có thể không thể chi trả 20 triệu đồng, nhưng sẵn sàng chi trả 20 USD”, ông Romauch nói.

Ông Trần Đạo Đức thì đề xuất từng bước thay đổi tập quán, thói quen đi du lịch của người Việt Nam. Ví như mùa đông (miền Bắc) thì người dân thường ít khi đi du lịch, trong khi đó lại là mùa đẹp ở miền Nam.

Vị này cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này, giống như tiếp thêm “máy thở”. Đó là việc hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng, đơn giản. Thay vì giãn nộp thuế thì Chính phủ giảm thuế, các loại phí sâu hơn nữa.

Ông Adam Owen Riley cho rằng chính việc Chính phủ khuyến khích người dân đi du lịch một cách an toàn đã là một sự hỗ trợ. Trong tương lai, việc mở cửa biên giới là một quyết định khó khăn mà Chính phủ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì sự an toàn là quan trọng nhưng nó cũng tạo ra tác động lớn đến tình hình kinh doanh của tất cả doanh nghiệp.

Theo Zing

Tin khác