Phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh

Thứ Sáu, 16/12/2022 09:38
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh là những mục tiêu quan trọng huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) - nơi có làng Đại Bình, thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng nổi tiếng, quyết tâm thực hiện.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, du lịch; hỗ trợ, vận động người dân làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh là những mục tiêu quan trọng huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) - nơi có làng Đại Bình, thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng nổi tiếng, quyết tâm thực hiện.

Phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh - 1

Hòn Kẽm Ðá Dừng là thắng cảnh nổi tiếng của cả xứ Quảng Nam. Ảnh: quangnam.gov.vn

Hạ tầng và tài nguyên du lịch Xanh đi trước một bước

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết, huyện chú trọng huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, tất cả địa phương trong huyện đều có đường bê tông đến tận thôn xóm, khu dân cư, thế cô lập ở các làng xa xôi cách trở được xóa bỏ hoàn toàn. Lưới điện quốc gia đã phủ kín đến từng thôn, xóm.

Đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Nông Sơn đang tập trung nguồn lực, đồng thời kiến nghị mở rộng tuyến Quốc lộ 14H đoạn từ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn đi xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên; đầu tư tuyến đường từ thôn Đại Bình, xã Quế Trung đi xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc và nhiều tuyến giao thông quan trọng khác nhằm nâng cao khả năng kết nối, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

“Giao thông phát triển sẽ tạo điều kiện để huyện Nông Sơn kết nối làng Đại Bình đã được tỉnh chọn là một trong hai làng tham gia thí điểm phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu trở thành làng du lịch cộng đồng sinh thái, làm điểm nhấn để lan tỏa điểm đến khác như làng Cà Tang, Hòn Kẽm Đá Dừng, lăng Bà Thu Bồn, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xa hơn là Hội An và trung tâm du lịch Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa chia sẻ thêm.

Bên cạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, huyện tập trung phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp trang trại, gia trại, trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây ăn quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Nông Sơn đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân mua các loại giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc phát triển vườn cây ăn trái. Nhờ vậy, đến nay, huyện Nông Sơn có 2.825 vườn với hơn 350ha. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị lớn, góp phần làm nên sản phẩm du lịch của Nông Sơn trong tương lai không xa.

Kỳ vọng với sản phẩm du lịch xanh độc đáo

“Khu vườn ông Bảy” là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch tới làng du lịch cộng đồng sinh thái Đại Bình. Ông Nguyễn Quang Soạn (chủ khu vườn) cho biết, nhờ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, làng sinh thái Đại Bình có lịch sử hình thành hơn 300 năm đang đổi thay từng ngày.

Từ khi địa phương vận động xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái, không riêng gia đình ông, nhiều gia đình khác mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng các loại trái cây bản địa đặc trưng như bưởi trụ Đại Bình, cam, quýt, mãng cầu. Làng trái cây Đại Bình được ví như miệt vườn Nam Bộ thu nhỏ. Các sản phẩm trái cây của làng trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Để tiếp sức cho làng du lịch sinh thái Đại Bình, ngoài nguồn vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, huyện Nông Sơn chú trọng nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao. Huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ quản lý, người lao động và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Người dân trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động du lịch, tiến tới xây dựng làng du lịch sinh thái Đại Bình trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách.

Đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chị Lâm Hòa An cùng gia đình đã có những ngày trải nghiệm thú vị ở làng du lịch Đại Bình và thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng. Theo chị An, tour du lịch cộng đồng, cùng ăn ở, làm vườn, tham quan mô hình ký ức Đại Bình, thưởng thức món ăn đặc sản làng quê, trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên thuyền ngược dòng sông Thu Bồn để lên Hòn Kẽm Đá Dừng là sản phẩm du lịch độc đáo cần được phát triển.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, thế mạnh du lịch của địa phương sẽ được khai thác hiệu quả và bền vững. Trong quá trình khai thác, phát triển sản phẩm du lịch, địa phương quan tâm bảo tồn giá trị các tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, hạn chế tối đa việc tác động nhân tạo làm thay đổi hoặc mất đi nét đặc trưng của từng điểm du lịch...

Thời gian tới, huyện tập trung đầu tư phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm, du lịch xanh dựa trên cơ sở phát huy giá trị của tài nguyên du lịch hiện có. Huyện đầu tư xây dựng và phát triển làng Đại Bình theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, trở thành điểm trung tâm, sau đó lan tỏa ra các điểm tiềm năng khác. Bên cạnh đó, địa phương hoàn thiện đề án thu hút đầu tư khai thác một số điểm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn loài, sinh cảnh voi gắn với gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học. "Du lịch trên quê hương Hòn Kẽm Đá Dừng đang đứng trước nhiều vận hội mới để nâng tầm và đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh", Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa kỳ vọng.

Theo Đoàn Hữu Trung (Báo Tin Tức)

Tin khác