Quang hỏi: “Sao con thấy mấy nay canh chua mẹ nấu cũng ngon, nhưng hình như thiếu thiếu cái gì đó?”. Mẹ nói: “Tổ cha mi, cây tần dày lá bị mi tập lái xe ủi trụi lủi, mẹ không có để nêm chứ thiếu cái gì?”.
Đúng rồi, mùi nhớ! Thật, canh chua cá mà nấu không có tần dày lá thì thiệt là buồn và không giống nồi canh của nội.
Nhắc nồi canh này, Quang lại sụt sịt nhớ thương.
Xưa nhà còn ở ruộng, lúc nào 2-3 cái phuy sau nhà ông nội cũng dành rọng cá, ốc, hến mà cha mẹ bắt được khi đi ruộng. Cá nội hay kho, ốc, hến nội hay xào ăn với rau tập tàng mà anh em Quang hái được sau giờ tan lớp. Lâu lâu, nội đổi bữa, nấu nồi canh chua, không cần gì thêm, chỉ cần canh, ơ cá kho cùng với chén nước mắm thôi, cả nhà Quang có một bữa no nê. Quang mê nhất món canh cá này của nội. Thường để chuẩn bị nấu nồi canh, nội kỹ lưỡng từng ly từng tý. Nội chọn cá lóc hoặc cá lăng để nấu vì nội nói hai loại này hợp nhất để nấu canh. Thực chất dù nấu 2 hay 4 con cá cho cả nhà 6 người thì nội cũng chỉ lấy đầu, đuôi nấu canh, khúc giữa nội để ướp riêng làm kho quẹt.
Mà nội làm cá, nấu cơm gì cũng nhanh lắm. Cá nội rửa sạch, cắt khoanh ướp để kho riêng. Để nấu canh cá, nội chỉ lấy đầu, đuôi và vài khoanh nhỏ gần đuôi cá ướp sơ với chút hạt nêm, muối, đường, hành tím băm và 1 muỗng cà phê dầu ăn cùng nửa trái ớt xiêm. Trước khi nấu canh, nội phi tỏi cho vừa vàng, giòn, rồi vớt ra cái chén nhỏ. Bà nhanh tay xắt khoanh mỏng từng trái khế, cho vào chỗ dầu đang sôi, đảo nhanh, tắt bếp.
Cùng lúc này bà mới bắc nồi cơm, quay qua kho ơ cá. Cơm chín, cá vừa ăn, cũng là lúc cha mẹ của Quang từ ngoài đồng về. Khi đó, bà nội vui vẻ vừa kêu con, gọi cháu: “Chuẩn bị bàn ăn bây ơi! Bé Hai ra sân mời ông nội…”, vừa thổi lửa lên để làm sôi bùng nồi nước dùng mà bà bắc sẵn trên bếp. Rồi bà mới đổ khế đã xào vào đun sôi, nêm nếm, chờ nước sôi trong, nội mới đổ cá đã ướp vào, đậy nắp nồi chờ sôi lại. Sau đó, rắc rau tần dày lá đã xắt sợi, bạc hà đã lột vỏ, cắt xéo vào, đảo đều, rắc tỏi đã phi vàng lên trên mặt nồi canh. Quang chỉ có một nhiệm vụ là lấy rế, bắc nồi canh với cái vá to đùng để chính giữa bàn ăn. Ông nội nói, mình ăn vầy là ăn kiểu lẩu nhà hàng. Cả nhà lại có buổi chuyện trò rôm rả quanh mâm cơm ngày ấy.
Đó là hồi nhà Quang còn ở Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ba mẹ cậu nhỏ suốt ngày ngoài đồng, người chăm mấy anh em Quang là ông bà nội. Giống nhiều nhà quanh xóm ruộng, nhà Quang cũng rất nghèo. Lên cấp II, nhiều bạn bè Quang nghỉ học, đi ruộng, làm cỏ, cấy lúa mướn. Lên cấp III, bạn học của Quang rơi rụng rất nhiều. Đa số bạn gái đi lấy chồng Việt kiều hay người nước ngoài, nhiều bạn trai lên Sài Gòn kiếm sống… Còn Quang và 2 đứa em cứ miệt mài đi học. Cha nói, đời cha đói chữ, nên các con ráng học mới mong thay đổi cuộc đời. Để thực hiện giấc mơ đổi đời cho các con, ngay năm Quang vào lớp 10 đó, ông bà nội còn khuyên cha mẹ bán hết ruộng vườn lên thành phố mua nhà để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Cha thức trắng mấy đêm liền, cuối cùng quyết nghe lời nội.
Đất ở quê mênh mông, nhưng bán xong, trong tay cha mẹ chỉ mua được 1 miếng đất nhỏ hơn 100m2 ở ngoại thành TPHCM. Vậy là để nuôi mấy anh em Quang tiếp tục hành trình chữ nghĩa, cha đi phụ hồ, mẹ và bà nội mở tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà. Rời quê, ai cũng nghĩ bà nội sẽ khóc hết nước mắt. Nhưng rồi bà là người bình tĩnh nhất, chỉ đạo mọi người mang cái gì, bỏ cái gì, cái nào tặng các cô chú hàng xóm khó khăn… Ngày lên xe tải chuyển nhà, Quang thấy mười mấy chậu cây nho nhỏ toàn rau thơm được nội xếp riêng trong cái thùng giấy lớn. Nội cười nói: “Của quý đó nghen. Có hành có tỏi đỡ mỏi chân chân tay người nấu tệ. Như cây tần dày lá hay mớ ngò om này đây, không có nó, nồi canh cá coi như hỏng luôn nghen”.
Tiếng cười của nội như còn vương đâu đó quanh tai Quang, mà không, giờ đã thành cậu chàng kỹ sư công nghệ thông tin vừa nhận việc làm cách đây vài tháng. Chỉ là bà nội không còn chờ Quang bên bếp nhà để gọi cháu bắc giúp nồi canh ra bàn ăn nữa. Bà mãi mãi ra đi sau một cơn bạo bệnh ở tuổi 70.
Chiều nay, nồi canh cá thiếu tần dày lá, Quang thấy như thiếu cả một trời thương nhớ. Ăn cơm xong, Quang xắn tay áo ra sân lục tìm vài cái chậu. Quang giâm thêm cho nhà mình mấy bụi tần dày lá mới…