Ảnh minh họa
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lên đến 24 tháng
Nghị định gồm 4 Chương, 29 Điều, quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền.Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng Giấy phép kinh doanh (GPKD) dịch vụ lữ hành, thẻ HDV du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 6 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính như GPKD dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thu hồi GPKD dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch; Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.
Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 100.000.000 đồng
Đáng chú ý, Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định quy định mức phạt tiền cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm. Cụ thể, nếu tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch; phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch…
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi: Sử dụng HDV du lịch quốc tế, HDV du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch theo quy định;Sử dụng HDVdu lịch để hướng dẫn cho khách du lịch không đúng phạm vi hành nghề của HDV du lịch;Sử dụng HDV du lịch để thực hiện chương trình du lịch mà không có hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo quy định…
Chủ tịch xã có quyền xử phạt về du lịch
Nghị định 45/2019/NĐ-CP cũng quy định ngoài Thanh tra chuyên ngành còn có Chủ tịch UBND xã, huyện; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Công an nhân dân đều có thẩm quyền xử phạt.
Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 5.000.000 đồng.
Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tước quyền sử dụng GPKD dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25.000.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả…
Chánh Thanh tra cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tước quyền sử dụng GPKD dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25.000.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả...
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Chỉ huy tàu bay, trưởng tàu, thuyền trưởng đang thi hành nhiệm vụ theo chứcnăng, quyền hạn được giao thuộc lĩnh vực du lịch được quyền lập biên bản vi phạm hànhchính đối với các hành vi vi phạm xảy ra trên tàu bay, trên tàu, trên phương tiện thủy nộiđịa.
Nghị định 45/2019/NĐ-CP cũng ghi rõ đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới được phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm.