Lý do TP.HCM phải liên kết du lịch với 13 tỉnh, thành ĐBSCL

Thứ Tư, 04/09/2019 10:24
Khách du lịch đến TP.HCM nhiều người chỉ coi đó là trạm trung chuyển để đi các tỉnh thành, nơi có nhiều miệt vườn và phong cảnh Nam bộ đặc sắc, hơn là một phố thị đông đúc, náo nhiệt, không an toàn cho người lạ.

Do vậy, ngành Du lịch TP.HCM đã đặt ra mục tiêu liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - du lịch với 13 tỉnh thành ĐBSCL tại Hội nghị Xúc tiến du lịch tổ chức ở TP.HCM, ngày 4/9. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC) 2019. Sự kiện diễn ra từ 4 - 7/9 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Tòa nhà Lanmark 81 và một số khách sạn 5 sao tại trung tâm thành phố.

Không liên kết sẽ tụt hậu

Với dân số khoảng 10 triệu người, TP.HCM đang được kỳ vọng như là cầu nối các vùng miền để phát triển du lịch. Con số năm 2018 cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt 7,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa đến đạt 29 triệu lượt, doanh thu đạt hơn 138 ngàn tỷ đồng. Riêng  6 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến đạt 4,25 triệu lượt, khách nội địa đến đạt 16,5 triệu lượt, tổng thu du lịch  đạt 73.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều vụ việc nổi cộm gần đây khiến du khách đến TP.HCM không muốn quay trở lại. Lý do, nhiều du khách bị cướp giật, xin đểu, bị “chặt chém” (điển hình là vụ khách Nhật bị “móc túi” 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô ngắn), hay bị  té  ngã trên vỉa hè vì móc sắt và thanh chắn xe máy. Đại diện ngành cũng đã có động thái xin lỗi và đền bù thiệt hại, tặng vé máy bay cho những du khách gặp nạn, nhưng làm sao có thể xử lý hết các sự cố hiện nay?

ly do tp.hcm phai lien ket du lich voi 13 tinh, thanh dbscl hinh anh 1

Khách nước ngoài đến TP.HCM thường thăm thú chợ Bến Thành và các tour trong thành phố. Ảnh: T.L.

Ngành du lịch TP.HCM đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, với vùng Tây Nam bộ đã hình thành nên các liên kết vùng như: TP.HCM với tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); TP.HCM với cụm phía Đông ĐBSCL; TP.HCM với cụm phía Đông Tây ĐBSCL…

Nội dung hợp tác chủ yếu trên 5 lĩnh vực: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch.

Trên thực tế, nếu không liên kết phát triển du lịch, nguy cơ trở thành “điểm dừng một đêm” đối với du lịch TP sẽ trở thành hiện thực. Thêm nữa, sản phẩm du lịch của TP cũng còn khá nghèo nàn, chưa hấp dẫn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài tour trong thành phố, mặc dù mới đây, ngành Du lịch cũng đã tạo ra các sản phẩm mới và mở rộng phạm vi liên kết. Việc hợp tác với các vùng, định vị sản phẩm du lịch hiện có của từng vùng là cần thiết nhằm tạo ra sức hút và khắc phục tình trạng nghèo nàn các tour du lịch. Nếu không, ngành du lịch TP cũng có nguy cơ tụt hậu.

Cầu nối quảng bá du lịch vùng

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhiều năm qua TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL vẫn chưa thực sự tạo nên một thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng, chưa thực sự hình thành được những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Công tác quảng bá, xúc tiến còn rời rạc, thiếu tính thuyết phục vì vẫn còn loay hoay xác định bản sắc riêng của từng điểm đến. Đây là những việc có thể thực hiện tốt hơn trong sự chủ động của các cơ quan quản lý ngành và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng đồng thời tồn tại những điểm nghẽn: Thiếu cơ sở hạ tầng, trong đó nhiều dự án giao thông kết nối vẫn vô thời hạn, và thiếu các đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hoá, giải trí, du lịch ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL để làm mới sản phẩm; Yếu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Hơn thế, theo ông Vũ, thể chế điều phối vùng chưa được nghiên cứu, triển khai; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, từ đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông, văn hoá, giải trí… để tác động đến sự phát triển du lịch vùng. Vậy nên, TP.HCM và ĐBSCL cần có sự kết nối toàn diện hơn, cụ thể hơn và có thời hạn cho từng mục tiêu, kế hoạch.

Tại Diễn đàn liên kết du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 1, các lãnh đạo ngành bàn luận về thực trạng và các giải pháp cụ thể đồng bộ trên ba nội dung: Xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sản phẩm liên kết và công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch vùng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, hội nghị cấp cao để liên kết phát triển du lịch và xúc tiến, mời gọi đầu tư vào hạ tầng văn hóa - thể thao; du lịch - giải trí TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

ly do tp.hcm phai lien ket du lich voi 13 tinh, thanh dbscl hinh anh 2

Lãnh đạo ngành Du lịch TP.HCM chia sẻ về Hội chợ Du lịch quốc tế. Ảnh: BTC.

Bên cạnh đó còn có Hội thảo quốc tế Du lịch thông minh (7/9) với sự góp mặt của các chuyên gia quốc tế đến từ Hà Lan, Pháp Ý, Singapore, Malaysia,… cùng nhau đánh giá thực trạng, thách thức và yêu cầu trong việc phát triển du lịch thông minh tại TP.HCM, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trên thế giới và đề xuất các giải pháp xoay quanh nội dung trọng tâm của hệ sinh thái du lịch thông minh.

Tại Hội thảo, có 20 start-up và doanh nghiệp giới thiệu, triển lãm các ứng dụng du lịch thông minh. Ngoài ra còn có chuỗi hội thảo về chủ đề du lịch tự trải nghiệm và đêm Gala giới thiệu bản sắc du lịch Việt Nam với chủ đề "Hương sắc Việt Nam", vào tối 4/9 tại tòa nhà Landmark 81.

Năm 2018, du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt lực lượng lao động trong vùng đạt 77.000. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương.

Nếu tính chung dân số của 14 địa phương khoảng 27,5 triệu người thì bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của cả vùng.

Theo Dân Việt

Tin khác