Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón được gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượng khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc những tháng qua có dấu hiệu giảm.
Nguyên nhân vấn đề này xuất phát từ căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự phát triển chậm hơn của các nền kinh tế châu Á…
Lượng khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc những tháng qua có dấu hiệu giảm. Ảnh: Shutterstock. |
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách du lịch quốc tế bằng những chính sách tăng cường. Do một số điểm đến ở nước ta đã trở nên bão hòa, lượng khách quốc tế từ những thị trường nguồn lớn bị phân tán.
Trong thời gian tới, để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và ngành hàng không nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức đón khách du lịch tại một số địa bàn trọng điểm. Đồng thời, các tổ chức du lịch cũng phối hợp với địa phương để thống nhất, triển khai nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi nhằm thu hút khách nước ngoài ở các thị trường trọng điểm từ nay đến cuối năm.
Việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN cũng được nhấn mạnh.
Theo văn bản của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), mục tiêu quan trọng khác từ nay đến cuối năm của ngành Du lịch là tổ chức thành công các sự kiện lớn trong nước như Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP.HCM, Hội chợ Du lịch quốc tế đồng bằng sông Cửu Long, Năm Du lịch Quốc gia 2019 tại Khánh Hòa.
Ngành Du lịch cũng chủ động quảng bá sớm cho sự kiện thể thao quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam là Giải đua xe F1. Công tác quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch cũng cần được tiếp tục nâng cao.