Lời giải nào cho bài toán nhân sự ngành du lịch hậu Covid-19?

Thứ Ba, 01/09/2020 19:00
Trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp ngành du lịch sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực.

Lời giải nào cho bài toán nhân sự ngành du lịch hậu Covid-19?

Theo khảo sát gần nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) về những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, gần 400 doanh nghiệp, đa số quy mô vừa và nhỏ tham gia.

Theo đó, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tại các doanh nghiệp tăng cao. Trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 18% số doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% cho nghỉ việc từ 50 đến 80% nhân viên và 75% có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc. Hơn 88% số doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ để trả lương cho người lao động.

Đến cuối tháng 7, khi doanh thu còn chưa kịp hồi phục thì dịch Covid-19 tái bùng phát, lúc này phương án cắt giảm nhân sự lại tiếp tục phải đưa ra.

Tại Hà Nội, có khoảng 28.199 lao động trong ngành du lịch tạm thời nghỉ việc. Còn ở TP.HCM, doanh nghiệp du lịch cũng lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt dịch Covid-19 lần này gây ra, khối doanh nghiệp lữ hành 90% tạm dừng hoạt động, 10% làm ở nhà hoặc trực tuyến, hầu hết các doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương. Các khách sạn cũng cho nhân viên nghỉ lên tới 80 - 90%.

Người lao động buộc phải quay lưng với nghề

Chị Phạm Thị Hà, nhân viên lễ tân tại 1 khách sạn trong khu du lịch Tuần Châu, Hạ Long cho biết tháng 7, tháng 8 là những tháng cao điểm mùa du lịch, tuy nhiên năm nay thay vì phải tăng ca đón lượng khách du lịch tăng cao thì chị phải nhận những cuộc điện thoại hủy booking của khách hàng.

Chị Hà cho biết từ khi tái phát dịch bệnh Covid-19 cả tháng nay chị đi làm được 6 ngày công, hiện tại chị đang tiếp tục phải nghỉ ở nhà chờ việc. Đợt dịch thứ nhất công ty chị không hỗ trợ lương mà có hỗ trợ cho nhân viên gạo, dầu ăn... còn đợt nghỉ thứ 2 này thì công ty chưa có thông tin gì về việc hỗ trợ.

Cũng đang phải tiếp tục nghỉ chờ việc lần 2, chị N.T.P, nhân viên thu ngân của 1 hệ thống bán đồ lưu niệm tại khu vui chơi giải trí ở Hạ Long cũng cho biết, tháng 7 vừa qua là tháng cao điểm nhất từ đầu năm, mặc dù chỉ đón riêng khách nội địa nhưng mỗi ngày cũng có hơn 2.000 lượt khách đến cửa hàng, sang tháng 8 thì tất cả đều quay về con số 0.

Chị N.T.P cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều người khác là công ty cho nghỉ chờ việc nhưng vẫn hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng để duy trì sinh hoạt cơ bản, nhưng nếu tình hình kéo dài lâu chị cũng cân nhắc tìm một công việc mới ổn định hơn.

Chị Nguyễn Thị Cúc, hướng dẫn viên du lịch cho 1 công ty lữ hành tại Hà Nội cho hay khi nghỉ việc do Covid-19, chị không có lương hỗ trợ, chị cũng thông cảm cho công ty vì công ty cũng đang rất khó khăn. "Đồng nghiệp của tôi người đi làm grab, người chuyển sang bán hàng, vì để tìm được công việc mới là rất khó, như tôi phải chuyển sang bán hàng online để duy trì thu nhập", chị Cúc chia sẻ.

Cần chuẩn bị  nhân lực cho giai đoạn mới

Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế cho thấy Việt Nam hiện có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, con số này là chưa kể đến số lượng lao động làm những mảng có liên quan đến du lịch.

Trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp ngành du lịch sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực, vấp phải sự xáo trộn và khó khăn trong tuyển dụng cũng như đào tạo.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality (Hội An) cho rằng: Việc khởi động lại sau dịch sẽ có sự cạnh tranh về những nhân sự thứ cấp nhưng cũng không quá lo ngại vì lúc đó các doanh nghiệp đều như nhau, doanh nghiệp nào có chiến lược nhân sự tốt sẽ thu hút được người lao động quay lại. Đây cũng là cách đào thải những doanh nghiệp  không có định hướng chiều sâu, bền vững và hơn nữa cũng là lúc "thử lửa" cho người lao động có tay nghề. Lúc này, người lao động cũng được đầu tư kiến thức, tự đào tạo một cách bài bản các kỹ năng để thích ứng.

"Nói về chế độ để giữ chân nhân sự giỏi mỗi công ty có chế độ đãi ngộ khác nhau. Công ty thì có chính sách tiền lương tốt, công ty thì có chế độ đãi ngộ tốt để giữ người. Nhưng tất cả là tương đối, rất khó có một chế độ nào hoàn hảo, vì quản lý con người là vấn đề khó nhất của mỗi doanh nghiệp", ông Thanh chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Hà, CEO Hoàng Ngọc Resort & Spa cho biết: "Trong thời gian này chúng tôi cơ cấu lại toàn bộ nguồn nhân lực. Thay vì cho nhân viên làm việc luân phiên như trong đợt dịch đầu tiên thì chúng tôi quyết định cắt giảm nhân viên, chọn lọc lực lượng cốt lõi, đào tạo tinh nhuệ để có thể làm việc đa năng, số lượng nhân sự còn thiếu thì sẽ sử dụng nhân viên thời vụ. Như vậy, những nhân viên bị cắt giảm còn được lĩnh trợ cấp thất nghiệp và tìm công việc khác để trang trải cuộc sống, chứ làm luân phiên hoài thì thu nhập sẽ không đủ cho họ, đồng thời về phía doanh nghiêp thì cũng giảm được chi phí".

Ông Hà cho biết thêm, hiện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cũng đang xin UBND tỉnh Bình Thuận hỗ trợ ngân sách để giúp các doanh nghiệp về marketing, đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.

Còn theo ông Dawid Koegelenberg, Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Fusion Resort Cam Ranh: "Điều may mắn là đội ngũ nhân viên của chúng tôi không phải là những người hay nhảy việc và họ luôn muốn gắn bó với Fusion. Nhân sự chính là một phần cốt lõi giúp chúng tôi duy trì việc kinh doanh và có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Mọi người đều hiểu rằng diễn biến của dịch bệnh là điều không mong muốn và khi du lịch dần hồi phục, chúng tôi sẽ bố trí công việc cho các nhân viên của mình ngay khi có thể".

Nhiều chuyên gia tin rằng du lịch Việt Nam gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành du lịch sẽ có bước phục hồi tốt, thời gian qua cũng là một phép thử rất hiện hữu.

Chính vì vậy, việc duy trì, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới là rất cần thiết, đặc biệt đối với các địa phương có nguồn thu lớn từ du lịch như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa…

Theo Hải Tiến - N.Nga (BizLive)

Tin khác