Nhiều điểm du lịch được mở lại
Ngày 13/9, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ký văn bản cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các huyện vùng xanh như Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo.
Theo đó, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch trước khi được phép hoạt động trở lại. Các chợ truyền thống tổ chức hoạt động trở lại chỉ kinh doanh các hàng hóa thiết yếu khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch.
UBND các huyện quy định cụ thể thời gian và phương thức hoạt động chợ phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Việc đi chợ áp dụng hình thức phát phiếu 2 lần/tuần, có chia khung giờ theo khu phố, thôn, ấp.
Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp cho người dân, người giao hàng là nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Cửa hàng sau khi được thẩm định đủ điều kiện sẽ gắn bảng hộ kinh doanh xanh hoặc hộ kinh doanh an toàn.
Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép thí điểm mở lại các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với các khách sạn Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo theo hướng dẫn.
Các chợ truyền thống tổ chức hoạt động trở lại chỉ kinh doanh các hàng hóa thiết yếu khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch
Các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện sử dụng lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện. Người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của doanh nghiệp, riêng đối với công trình xây dựng riêng lẻ thì có giấy xác nhận của UBND cấp xã).
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho phép một số nhà ở dân dụng đang xây dựng dở dang có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng tiếp tục triển khai (với số lượng công nhân dưới 10 người), sử dụng người lao động là người dân sinh sống trên địa bàn huyện và đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Người dân di chuyển thế nào?
Đối với các huyện vùng xanh, từ ngày 15/9-30/10, các cơ sở sản xuất phải sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp).
Các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hơn 14 ngày thì chỉ người lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp).
Chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp và xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ 5 ngày/lần (kết quả xét nghiệm gửi về phòng Kinh tế hạ tầng thuộc UBND cấp huyện để kiểm tra, giám sát phòng chống dịch).
Các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện sử dụng lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện
Điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng người lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại. Người lao động phải cam kết di chuyển theo đúng lịch trình đã đăng ký. Doanh nghiệp và người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng cung đường và lịch trình di chuyển.
Đối với hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, người lao động cam kết di chuyển trên 1 cung đường từ nơi ở đến nơi sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Người lao động, nông dân đi lao động, sản xuất ngoài địa bàn xã, thị trấn cư trú phải thực hiện đăng ký đi và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Người dân khác xã, thị trấn nhưng cùng một huyện thì UBND cấp xã nơi đi có trách nhiệm xem xét thống nhất với UBND cấp xã nơi đến. Khác địa bàn huyện thì UBND huyện nơi đi có trách nhiệm xem xét thống nhất với UBND huyện nơi đến.